Nhớ những kiểu chào khác nhau của học trò trên suốt dọc hành lang. “Cô”; “Cô ạ”; “Em chào cô” hay đó chỉ là nụ cười, là cái cúi đầu nhè nhẹ, thậm chí có khi vừa rượt nhau vừa toe toét miệng chào cô rồi chạy tiếp... sao cái lũ học trò ấy lại đáng yêu đến thế. Thói quen mỉm cười gật đầu chào khẽ những người ngược chiều lối đi của mình có lẽ bắt đầu từ những hành lang lớp học như thế này đây.
Có những tình huống bất ngờ trên hành lang cứ khiến mình một đời như mắc nợ. Nhớ có khi hết tiết trở về phòng hội đồng, khi đi ngang qua lớp chủ nhiệm, một trò nữ từ trong lớp chạy ra nhấc bổng cô lên, xoay một vòng xong đặt lại đúng hiện trường rồi te te chạy vào lớp. Mình không hiểu chuyện gì, lớp cũng không hiểu. Chỉ có trận cười vỡ ra và mình yêu phút giây ngẫu hứng ấy đến tận bây giờ.
Hay có khi xong tiết, mình xuống muộn, học sinh đã ùa hết ra sân, qua đoạn gấp khúc của hành lang, một học trò bỗng chắn đường với nụ cười rất tươi: “Cô, hip hop đẩy lùi ma túy. Cô xem bạn ni nhảy đi cô”. Thế là mình dừng lại xem trọn bài nhảy cực kỳ điêu luyện của bạn cậu ấy. Thích thú. Thán phục. Hai cậu học trò ấy mình không dạy nhưng điệu nhảy mà đặc biệt nhất là cú xoay đầu trên nền hành lang hôm ấy khiến mình như sắp rớt tim ra ngoài thì thật khó mà quên.
Ôi, hành lang, quên sao được hình ảnh một cậu học trò cứ đến tiết văn lại ra cửa lớp đón đợi. Thấy cô từ xa đã chạy tới xách chiếc cặp trên tay cô hớn hở chạy vào lớp đặt ngay ngắn trên bàn giáo viên rồi về chỗ mình đứng chào như bao bạn khác. Gương mặt em vừa tinh nghịch vừa thân thiện, trong sáng và hồn nhiên đến độ đáng yêu như cái tuổi mới lớn của mình.
Hành lang, quên sao được hình ảnh một phụ huynh đã chờ bên góc cầu thang cạnh phòng dạy gần nửa tiết cuối ngày cuối tuần chỉ để gặp và gửi cô chút quà quê. Một ang nếp nhà vừa gặt, vài quả khổ qua và hai táng đường đen. Bất ngờ vì phụ huynh đến trường trong giờ học nhưng rồi lại nghẹn đi khi biết đó là phụ huynh học sinh trường cũ ở Quảng Nam ra. Thời gian đã lùi xa thật xa nhưng ân tình chân chất, sâu nặng ấy vẫn vẹn nguyên mỗi khi nhớ về hành lang ấy.
Hành lang, trên nẻo đi về dài hẹp ấy vẫn lưu giữ dáng hình thân thuộc của đồng nghiệp khi thì cùng chiều xăm xăm lên lớp, lúc lại cùng chiều thong thả trở lại phòng hội đồng sau mỗi tiết dạy. Nơi ấy đôi khi cũng có những tình huống bất ngờ của đồng nghiệp thật khó mà quên.“Cô, em vừa mới đi đánh trận về đây cô”, một giáo viên trẻ mặt phừng phừng từ cửa lớp bước ra vội nói với mình. Nhìn em vừa thấy thương, thấy tội vừa buồn cười. Thầy giáo đẹp trai ấy bị học trò chọc giận với đủ trò tai quái trong giờ học. Dù rất có năng lực chuyên môn nhưng chưa đủ kinh nghiệm sư phạm để làm chủ tình huống và cảm xúc của mình nên em mới ra nông nỗi ấy. Hay có khi vừa xách cặp lên lớp thì một cô nàng cùng tổ văn rượt theo: “Cô cô, em trống tiết ni cô cho em dự giờ cô với”...
Hành lang, cái lối đi dài hẹp luôn xen kẽ hai trạng thái đối lập giữa động và tĩnh, đông đúc và trống không sau mỗi tiếng trống trường ấy còn lưu trong mình hình ảnh những thành viên không thuộc đối tượng sư phạm nhưng lại xuất hiện một cách thật đáng yêu. Một đôi chim bồ câu túc tắc đi từ ngoài hành lang vào lớp rồi lại túc tắc đi ra. Thân thuộc và yên ả đến lạ. Mấy cô nàng chim sẻ bay lên sà xuống rồi cãi nhau ầm ĩ trên thành lan can ngoài cửa lớp. Những khoảnh khắc đáng yêu ấy đã lưu giữ nét chạm khó phai trong ký ức của mình.
Hành lang lớp học - mãi mãi là lối đi, là miền ký ức trong trẻo, tươi tắn, sống động, ân tình và thật đáng yêu trong đời dạy học của mỗi người.