Hàng loạt vụ máy bay rơi ở Tam giác Alaska, những người đi bộ đường dài, khách du lịch mất tích bí ẩn, thậm chí người dân địa phương cũng đều biến mất không chút dấu vết như thể họ đã tan vào không khí.
“Mẫu số chung”
Tam giác Alaska thu hút sự chú ý của dư luận bắt đầu từ năm 1972.
Ngày 16/10/1972, chiếc máy bay tư nhân Cessna 310 hai động cơ do phi công Don Jonz điều khiển, chở theo thủ lĩnh phe đa số Hạ viện Mỹ Hale Boggs, nghị sỹ Nick Begich cùng phụ tá của Begich là Russell Brown, tới tham gia chiến dịch tranh cử của Begich, thành viên đảng Dân chủ của Hạ viện Mỹ ở Alaska. Chiếc máy bay đột ngột biến mất ở “đâu đó” khi đang trên đường từ Anchorage đến Juneau.
Giới chức đã nhanh chóng khởi động chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn lớn nhất tính đến thời điểm đó trong lịch sử nước Mỹ. Tổng cộng 40 máy bay quân sự và 50 máy bay dân sự đã được triển khai hỗ trợ cuộc tìm kiếm kéo dài hơn 3.600 giờ tại khu vực rộng hơn 840.000 km2. Cả những người trên máy bay lẫn những mảnh vỡ - nếu chiếc máy bay thực sự đã gặp nạn – đều bặt âm vô tín, và không ai tìm được bất cứ thứ gì. Gần 40 ngày sau, mọi nỗ lực tìm kiếm vẫn vô vọng và chiến dịch buộc phải khép lại. Tuy nhiên, đây được cho là nguyên nhân khiến Quốc hội Mỹ sau đó thông qua luật bắt buộc tất cả các máy bay dân dụng tại nước này phải được trang bị máy phát định vị khẩn cấp.
Vụ mất tích bí ẩn liên quan tới một chính trị gia nhanh chóng làm dấy lên hàng loạt thuyết âm mưu, nổi bật nhất là đồn đoán cho rằng vụ việc có liên quan đến tư cách thành viên của ông Boggs trong Ủy ban điều tra về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy được Tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập. Ông Boggs không đồng tình với báo cáo của ủy ban kết luận cho rằng vụ ám sát do một sát thủ đơn độc tiến hành. Boggs tin vụ việc có thể liên quan đến nhiều cá nhân, và những người theo thuyết âm mưu này cho rằng Boggs bị thủ tiêu vì ông đã đào sâu thứ mà lẽ ra ông không nên làm.
Tuy nhiên, máy bay của ông Hale Boggs không phải là chiếc đầu tiên hay cuối cùng biến mất ở Tam giác Alaska.
Ngày 26/1/1950 được xem là một trong những ngày kinh hoàng nhất của Không quân Mỹ trong thế kỷ XX khi máy bay vận tải quân sự Douglas C-54D gặp nạn khi thực hiện chặng đi từ Alaska đến Texas, chở theo 44 người, đã biến mất không để lại một dấu vết hay mảnh vỡ máy bay nào. Không ai muốn tin chiếc máy bay vận tải khổng lồ 4 động cơ của Không quân Mỹ bỗng chốc mất tín hiệu và dường như đã tan vào trong không khí. Những nỗ lực tìm kiếm suốt 3 tuần sau đó của Không quân Mỹ và Canada hoàn toàn rơi vào vô vọng khi thời tiết khắc nghiệt thậm chí còn khiến một trong những chiếc máy bay tìm kiếm gặp nạn.
Năm 1992, một chiếc Cessna 340 chở 5 người, gồm cả phi công, đã mất tích khi đang thực hiện chuyến bay từ Yakutat đến Anchorage. Máy bay mất hoàn toàn liên lạc vô tuyến sau khi phi công báo cáo máy bay đã lên độ cao chỉ định là 12.000 feet so với mực nước biển (khoảng hơn 3.600m). Sau khi nghe đoạn băng Cục Hàng không Liên bang (FAA) cung cấp, vợ của viên phi công nói rằng vài phút sau thời điểm FAA cho là lần liên lạc cuối cùng, cô nghe thấy chồng mình nói điều gì đó về “6.000 feet” và “tình trạng đóng băng”. Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã thẩm định lại các đoạn băng ghi âm song không xác nhận thông tin này. Vụ việc sau đó được kết luận là máy bay mất tích do nguyên nhân không xác định.
Người ta từng cho rằng sự lạc hậu về công nghệ và độ an toàn thấp là một trong những nguyên nhân khiến máy bay dễ gặp nạn tại đây. Tuy nhiên, nhiều máy bay hiện đại, với các thiết bị điều hướng, khẩn cấp và bộ phát đáp tín hiệu vẫn biến mất bí ẩn ở Tam giác Alaska. Ngày 9/9/2013, Alan Foster, một phi công dày dặn kinh nghiệm với hơn 9.000 giờ bay, đã mất tích cùng chiếc PA-32-360 khi đang đi từ Atlanta đến Anchorage. Trước khi biến mất, Foster hạ cánh xuống Yakutat, Alaska, để tiếp liệu và không lâu khi máy bay khởi hành trở lại, các radar ghi nhận PA-32-360 đã ở độ cao hơn 300m trước khi hoàn toàn biến mất. Cuộc tìm kiếm cũng không thu về bất cứ kết quả nào.
Những vụ mất tích bí ẩn không dừng lại ở đó. Theo số liệu chính thức từ giới chức địa phương, từ sau vụ tai nạn năm 1972, hơn 20.000 người đã mất tích ở Tam giác Alaska - cao gấp đôi mức trung bình trên toàn nước Mỹ. Kênh Travel Channel ước tính tỷ lệ người bị mất tích ở Tam giác Alaska là 4/1.000, tức là cứ 1.000 người thì trung bình 4 người biến mất không dấu vết.
Hạ nghị sỹ Hale Boggs, mất tích tại Tam giác Alaska năm 1972.
Những câu chuyện thần bí
Một giả thuyết được nhắc đến nhiều về Tam giác Alaska và vô số vụ mất tích trong khu vực đăng tải bắt nguồn từ một báo cáo gửi cho FAA vào năm 1986. Báo cáo cho rằng Chuyến bay 1628 của Japan Airlines đã gặp phải 3 hiện tượng trên không không xác định (UAP), hay vật thể bay không xác định (UFO) khi đang di chuyển gần khu vực được cho là Tam giác Alaska. phi công báo cáo ban đầu họ nhận định đây là máy bay quân sự, trước khi nhận ra rằng các vật thể bám theo máy bay và di chuyển xung quanh nó một cách thất thường và phát ra những chùm ánh sáng kỳ lạ. Những tuyên bố này sau đó đã được chứng thực bằng dữ liệu từ radar dân sự và quân sự, khiến một số người suy đoán rằng hàng nghìn vụ mất tích kỳ lạ đã xảy ra ở Tam giác Alaska có thể là do người ngoài hành tinh.
Một giả thuyết khác cho rằng bên trong Tam giác Alaska tồn tại những xoáy năng lượng khổng lồ. Theo đó, cơn lốc năng lượng có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người. Một xoáy theo chiều kim đồng hồ tạo ra những cảm xúc tích cực, trong khi xoáy ngược chiều kim đồng hồ khiến họ trở nên tiêu cực và bối rối. Nhiều báo cáo cũng nhắc đến bất thường đáng kể về từ trường trong Tam giác Alaska và các đội tìm kiếm trong khu vực cho biết la bàn của họ bị lệch hơn 30 độ. Một số người đi vào khu vực này nói rằng đôi lúc họ cảm thấy mất phương hướng hoặc gặp ảo giác, điều được cho là nguyên nhân khiến mọi người dễ bị lạc hoặc gặp nạn ở Tam giác Alaska.
Cũng có giả thuyết khác lý giải bầu không khí nặng nề và thời tiết kỳ lạ trong khu vực là nguồn năng lượng phát ra từ thành phố Atlantis đã mất.
Huyền bí hơn, người ta nhắc đến các sinh vật đáng sợ sinh sống trong các khu rừng và núi tuyết. Trong văn hóa cổ xưa của người Mỹ bản địa, tộc người Tlingit và Tsimshian đã kể những câu chuyện về một sinh vật được gọi là Kushtaka, quái vật có khả năng biến hình đi lang thang trong vùng hoang dã Alaska để tìm kiếm con mồi. “Người rái cá trên cạn”, hay “Bigfoot” của Tam giác Alaska, là một sinh vật nửa người nửa rái cá, thường phát ra tiếng như tiếng khóc của trẻ em để thu hút, hoặc xuất hiện dưới lốt những người bị lạc trong rừng, tiếp cận và dẫn nạn nhân vào sâu hơn trong vùng hoang dã, sau đó xé xác họ thành từng mảnh hoặc biến họ thành Kushtaka, hoặc giả dạng thành chính người đó để đi lừa những con mồi khác.
Lý giải khoa học
Ngoài những câu chuyện viễn tưởng, hù dọa con người, nhiều nhà khoa học đã phân tích và tìm bằng chứng cho các bí ẩn này.
Theo các nhà khoa học, về mặt địa lý, Alaska là vùng tuyết rơi quanh năm, núi non hiểm trở, và những dòng sông băng khổng lồ có thể tạm thời che phủ những hang động và khe nứt khổng lồ. Các hang động ẩn này có thể lớn tương tự cả một căn nhà hay tòa cao ốc, trong khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt âm vài chục độ C, núi lửa còn hoạt động và nhiều loài thú hoang dữ sinh sống có thể chính là nguyên nhân khiến đó tỷ lệ tìm thấy một chiếc máy bay bị rơi hoặc thi thể của nạn nhân tội nghiệp nào đó gần như rất thấp. Những người đi bộ đường dài có thể rơi xuống hố sâu, và đường đi của họ có thể bị tuyết bao phủ trước khi ánh sáng biến mất trước mắt. Ngay cả những chiếc máy bay, dù có kích thước khổng lồ, cũng có thể nhanh chóng bị chôn vùi dưới lớp tuyết dày.
Năm 1947, máy bay Star Dust của hãng British South American Airways đã biến mất khi bay từ Buenos Aires, Argentina đến Santiago, Chile. Vụ tai nạn máy bay khi đang đi qua Tam giác Alaska đã trở thành bí ẩn trong hơn 50 năm và mãi tới năm 1998, hai người Argentina mới tình cờ tìm thấy xác máy bay khi leo núi Tupungato. Kết quả điều tra cho thấy máy bay xấu số dường như đã đâm thẳng vào một núi băng dựng đứng, gây ra vụ lở băng chôn vùi tất cả chỉ trong giây lát.
Bang Alaska có diện tích khổng lồ, gấp đôi bang Texas và phần lớn vẫn chưa có người sinh sống. Đây được xem là một trong những khu vực còn hoang sơ và ẩn chứa nhiều bí ẩn nhất nước Mỹ, là nơi tọa lạc của 17/20 ngọn núi cao nhất của Mỹ, khoảng 100.000 hồ băng, cùng rất nhiều khu bảo tồn tự nhiên.
Không có bằng chứng cụ thể, việc nhiều vụ máy bay và con người mất tích không rõ lý do, trong đó có cả những nhà leo núi và cư dân Alaska khiến những suy đoán vẫn mãi chìm trong những màn sương mờ. Tam giác Alaska cho đến nay vẫn là thứ gì đó huyền bí và đầy tò mò.