Đây là thông tin được ông Trần Đình Nhân - tổng giám đốc EVN - đưa ra tại hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023 và phát động phong trào tiết kiệm điện trên toàn quốc do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 22-5.
Theo EVN, tập đoàn này đang đàm phán để tăng nhập điện từ Trung Quốc và Lào. Trong khi đó, dù đã hoàn thiện 15 hợp đồng mua bán điện của các dự án điện chuyển tiếp với mức giá tạm bằng 50% khung giá, đến nay EVN chỉ mới đóng điện thêm 85MW từ một dự án điện mặt trời chuyển tiếp.
Không còn công suất điện dự phòng
Các nguồn điện lớn gồm thủy điện, nhiệt điện đều giảm nên công suất khả dụng nguồn của hệ thống điện quốc gia/miền Bắc chỉ khoảng 42.000/19.000MW vào cao điểm chiều, 39.200/18.000MW vào cao điểm tối.
Vì vậy, EVN phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+FO. "Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng" - ông Nhân nói có thời điểm công suất khả dụng còn thấp hơn cả nhu cầu phụ tải.
Do vậy, theo ông Nhân, tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp như làm việc với các tập đoàn TKV, Tổng công ty Đông Bắc, PVN để cung cấp than, khí, dầu cho vận hành các nhà máy điện.
-
Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc cũng như phối hợp với các địa phương trong tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngoài nguồn cấp than trong nước tăng thêm, các nhà máy sử dụng than nhập cũng được cấp nguồn.
Như nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được bổ sung thêm 120.000 tấn than, đảm bảo phát đủ công suất cả ba tổ máy cho các tuần tiếp theo.
Cụm nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng được bổ sung 50.000 tấn từ ngày 21-5, đảm bảo duy trì 1 tổ máy, đến 22-5 phát được hai tổ máy và phát đủ ba tổ máy từ 25-5.
Theo EVN, sản lượng huy động từ các nguồn nhiệt điện than tăng từ mức 459,7 triệu kWh/ngày (18-5) đã tăng lên mức 484,8 triệu kWh/ngày (20-5).
Nhờ huy động nhiệt điện than và nhập khẩu tăng thêm nên sản lượng thủy điện huy động các ngày qua ở mức tối thiểu.
Các hồ chứa đang gần mực nước chết ở miền Bắc đang được khai thác hạn chế để duy trì và tăng dần mực nước hồ nhằm đảm bảo vận hành trong các ngày nắng nóng sắp tới.
Tập đoàn này cũng cho biết đang nỗ lực để bổ sung nguồn điện mới. Bao gồm đàm phán với các chủ đầu tư nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đến nay đã hoàn thiện 15 hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1.150MW với mức giá tạm bằng 50% khung giá.
EVN đang đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục để sớm đóng điện các công trình này ngay trong tuần theo đúng quy định với tinh thần khẩn trương nhất.
Tăng nhập điện, kêu gọi tiết kiệm điện
Tính đến ngày 21-5, EVN mới đóng điện thêm 85MW từ điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, các chủ đầu tư khác đang phải hoàn thiện các quy định Pháp Luật liên quan mới huy động lên hệ thống.
Việc huy động nguồn năng lượng tái tạo hiện có cũng được khai thác tối đa, "có bao nhiêu vét hết bấy nhiêu", theo một lãnh đạo EVN chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, EVN đang đàm phán mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái tháng 5, 6 và 7 với công suất 70MW, sớm hoàn thiện thủ tục để thực hiện ký kết hợp đồng mua bán điện và dự kiến đóng điện để mua điện vào tuần sau.
EVN cũng đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, dự kiến sẽ vận hành thương mại từ ngày 22-5; qua cụm nhà máy thủy điện Nậm San hoàn thành đóng điện và hòa lưới quốc gia vào ngày 22-5.
Với các giải pháp tiết kiệm điện, EVN cho biết mỗi ngày đã giúp giảm nhu cầu sử dụng điện khoảng hơn 5,9 triệu kWh/ngày (trong đó chiếu sáng công cộng tiết kiệm được khoảng 900.000 kWh/ngày) và mức tiết kiệm có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới.
Ngoài ra, các tổng công ty điện lực và đơn vị đã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) theo yêu cầu của các cấp điều độ (đăng ký thay đổi nhu cầu sử dụng điện - PV).
Có gần 11.000 khách hàng đã ký thỏa thuận tham gia chương trình DR, trung bình mỗi ngày các đơn vị đã thực hiện từ 80 - 90 sự kiện DR với khoảng 2.500 khách hàng tham gia và công suất cao điểm tiết giảm được hơn 400MW.
Trong buổi lễ kêu gọi thực hiện phong trào tiết kiệm điện, ông Đặng Hoàng An - thứ trưởng Bộ Công Thương - cho rằng cần sửa đổi các tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, định mức sử dụng năng lượng cho đơn vị sản phẩm gắn với cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm đồng bộ, khuyến khích sử dụng năng lượng, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
"Phải có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ gia đình áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, chuyển đổi, thay thế các công nghệ sản xuất và các thiết bị điện, điện tử lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng sang các công nghệ, thiết bị mới, sử dụng ít điện, năng lượng...", ông An đề xuất.