Theo hãng tin AFP, bão Mocha ban đầu đổ bộ vào khu vực nằm ở giữa Cox’s Bazar tại Bangladesh và Sittwe của Myanmar ngày 14/5. Là cơn bão lớn nhất trong hơn một thập kỷ tại Vịnh Bengal, bão Mocha ghi nhận sức gió lên tới 210 km/h. Dọc theo đường đi bão đã phá hủy nhiều nhà cửa trong khi làm gián đoạn việc cung cấp điện cho người dân Myanmar và khiến liên lạc tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng.
Tới cuối ngày 14/5, phần lớn cơn bão đã đi qua và may mắn đã không ảnh hưởng nhiều tới Bangladesh. Chính phủ nước này cho biết đã tiến hành sơ tán 750.000 người, trong khi Bộ trưởng Bộ quản lý thiên tai Bangladesh Kamrul Hasan trả lời AFP ngày 15/5 rằng không có trường hợp nào được ghi nhận thiệt mạng tại quốc gia này.
Đặc biệt, thiệt hại tại các trại tị nạn của người Rohingya - nơi sinh sống của khoảng một triệu người trong 190.000 nơi trú ẩn bằng tre và bạt - tuy nghiêm trọng nhưng không khiến ai thiệt mạng. Liên Hợp Quốc nhận định tuy tác động của cơn bão không quá nghiêm trọng, vẫn còn hàng nghìn người cần giúp đỡ tại khu vực này.
Một ngôi nhà bị bão Mocha phá hủy trên đảo Shahpori, ngoại ô Teknaf, Bangladesh. Ảnh: AFP
Trong khi đó, tình hình tại Mynamar nghiêm trọng hơn khi thủ phủ Sittwe của bang Rakhine, Myanmar - nơi sinh sống của khoảng 150.000 người - là nơi hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
CNN trích dẫn nhận định từ Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc cho biết: “Thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra ở Rakhine cùng với gián đoạn viễn thông có nghĩa là mức độ nghiêm trọng của bão vẫn chưa thể được đánh giá rõ ràng”. Tuy nhiên, “các báo cáo ban đầu cho thấy thiệt hại là rất lớn và nhu cầu của các cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người phải di dời, sẽ tăng lên rất cao.
Trước mắt, AFP trích dẫn thông báo từ chính quyền quân sự Myanmar cho biết tính trên phạm vi cả nước, hơn 860 ngôi nhà và 14 bệnh viện cùng phòng khám đã bị hư hại. Trong khi đó, có ít nhất 5 người đã thiệt mạng và một số cư dân bị thương tại làng Khaung Doke Kar, phía tây bắc Sittwe.
Mưa xối xả cũng khiến nguy cơ lũ lụt và sạt lở đất gia tăng tại bang Rakhine trong khi gió mạnh khiến nhiều gây bật gốc, phá hủy nhiều nhà cửa và khiến việc cung cấp điện bị gián đoạn. Hình ảnh trên mạng xã hội ngày 14/5 cũng cho thấy bão Mocha quật đổ một tháp viễn thông tại Sittwe.
Trước bão Mocha, cơn bão cuối cùng đổ bộ với sức mạnh tương tự vào Myanmar là bão nhiệt đới Giri hồi tháng 10/2010. Là một cơn bão cấp 4 với sức gió tối đa 250 km/h, Giri khiến hơn 150 người thiệt mạng và khoảng 70% thành phố Kyaukphyu, bang Rakhine bị phá hủy. Theo Liên Hợp Quốc vào thời điểm đó, khoảng 15.000 ngôi nhà đã bị phá hủy ở bang Rakhine trong cơn bão.