Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm
Phiên 10/5/2023, chỉ số MXV- Index Nông sản (đo lường mức biến động giá của các mặt hàng nông sản niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa Chicago) đóng cửa ở mức 1.622 điểm, giảm 13,6% so với cuối năm 2022.
Trong các mặt hàng nông sản nhập khẩu chủ lực của Việt Nam, giá khô đậu tương từ đầu năm 2023 đến nay giảm 12%, xuống 460 USD/tấn; giá lúa mì giảm19%. Trong khi đó, ngô và gạo thô mặc dù liên tục trải qua các giai đoạn suy yếu, nhưng gần đây dần phục hồi về vùng giá đầu năm 2023.
Thị trường nông sản đang ổn định trở lại sau các biến số về dịch bệnh Covid-19, hay những xung đột giữa Nga và phương Tây ở Biển Đen. Hiện nguồn cung toàn cầu đang cho thấy những tín hiệu khả quan.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam cho biết: “Mùa vụ và điều kiện thời tiết tại các quốc gia, khu vực sản xuất nông sản lớn trên thế giới đang tương đối tích cực. Thêm vào đó, sau khi căng thẳng ở Biển Đen nổ ra, thị trường đã có các giải pháp tìm kiếm nguồn cung thay thế đến từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Myanmar, Parkistan, Nam Phi. Do đó, nguồn cung nông sản toàn cầu về cơ bản đang khá dồi dào”.
Gạo, cà phê trở lại cuộc đua kỷ lục
Trong khi đó, cũng chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố nguồn cung, giá cà phê lại bật tăng do sản lượng sụt giảm nghiêm trọng từ Việt Nam, Brazil, Indonesia.
Chốt phiên giao dịch 10/5/2023, cà phê Arabica đạt 4.132 USD/tấn, tăng 12% so với đầu năm nay; cà phê Robusta tăng hơn 38%, đạt 2.622 USD/tấn.
Tính đến cuối tháng 4/2023, sản lượng cà phê tại Indonesia, nước sản xuất Robusta lớn thứ ba thế giới, ở mức 9 triệu tấn, thấp nhất trong 10 năm (theo Volcafe); sản lượng Robusta tại Brazil ở mức 17,51 triệu bao, giảm gần 4% so với niên vụ 2022/2023 (theo CONAB). Tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp Robusta số một toàn cầu, dự kiến sản lượng chỉ đạt 30,2 triệu bao trong niên vụ năm nay, giảm 1,4 triệu bao so với niên vụ trước đó.
Ông Phạm Quang Anh nhận định, nguồn cung cà phê thế giới không chỉ thiếu hụt trong ngắn hạn, mà còn đứng trước nguy cơ thắt chặt trong dài hạn. Đây là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy giá cà phê, đặc biệt là Robusta tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2023.
Giá cà phê tăng cao hứa hẹn triển vọng tích cực đối với xuất khẩu cà phê trong nước. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu hơn 716 nghìn tấn cà phê, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu gần bằng cùng kỳ, đạt 1,6 tỷ USD, nhờ giá cà phê tăng. Ghi nhận trong ngày 10/5/2023, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam được giao dịch ở mức gần 54.000 đồng/kg, tăng xấp xỉ 30% so với đầu năm 2023.
Xuất khẩu gạo cũng thu về những “trái ngọt”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ. Theo đó, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm nay đạt 1,79 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tháng 4/2023, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng, lần lượt đạt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với cuối tháng 3/2023.