Chiều tối 9/5, người dân phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở nhà vệ sinh tại xưởng gỗ tư nhân thuộc ấp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Cùng ngày, tại thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), một cặp vợ chồng phát hiện một cháu bé trai khoảng 2-3 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cầu Đá Bạc (thuộc tổ dân phố 7, thị trấn Phú Lộc).
Trước đó, vào ngày 8/5, người dân xã Lộc An (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng phát hiện 1 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi bên tuyến đường vào nhà máy gạch ở thôn Nam Trạch.
Chiều 24/4, người dân xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TPHCM) cũng phát hiện một bé sơ sinh chưa đầy tháng bị bỏ rơi trước cổng chùa trên địa bàn xã với giỏ xách bằng nhựa chứa quần áo, 2 triệu đồng và một lá thư tay.
Nơi phát hiện cháu bé bị bỏ rơi ở xã Tân Phú Trung
Chỉ trong vài ngày, liên tiếp có nhiều vụ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên khắp cả nước là thực trạng đáng báo động. Tuy nhiên, rất may là hầu hết những đứa trẻ bị bỏ rơi đều được người dân ở các địa phương phát hiện trẻ nhận nuôi. Thậm chí, có nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi cùng lúc có nhiều gia đình xin nhận nuôi.
Theo quy định của Pháp Luật, khi phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người phát hiện phải bảo vệ đứa trẻ đồng thời báo ngay cho UBND phường, xã, thị trấn (gọi tắt là UBND xã), nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản. Sau đó, UBND xã sẽ tổ chức nuôi dưỡng trẻ và thông báo tìm thân nhân trẻ bị bỏ rơi. Nếu thân nhân không đến nhận, UBND xã sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh, tìm nơi nuôi dưỡng trẻ.
Trong trường hợp cùng lúc có nhiều người đến UBND xã xin nhận nuôi trẻ, UBND xã sẽ xem xét điều kiện của những người nhận nuôi.
Theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.
Nếu cùng lúc có nhiều người đủ điều kiện nhận nuôi và có mong muốn được nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, UBND xã sẽ xem xét theo thứ tự ưu tiên, ai có thứ tự xếp trước thì được ưu tiên nhận nuôi trẻ.
Theo Điều 5 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế để nhận nuôi trẻ là: hàng thứ nhất là cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; hàng thứ hai là công dân Việt Nam thường trú ở trong nước; hàng thứ ba là người nước ngoài thường trú ở Việt Nam; hàng thứ tư là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; hàng thứ năm là người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Trong trường hợp nhiều người đủ điều kiện nhận nuôi và cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì UBND xã xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.