Toàn cảnh hội nghị
Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu Nhật Bản có ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; ông Hayashi Motoo, Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; các hạ nghị sĩ, nguyên hạ nghị sĩ Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo một số tổ chức, cơ quan và hơn 300 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản.
Về phía Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa có ông Tô Huy Rứa, nguyên Trưởng Ban tổ chức Trung ương - Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; ông Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; bà Nguyễn Phương Nga, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa là một sự kiện trọng đại để tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh nổi bật và hấp dẫn của tỉnh; các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; các lĩnh vực, các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh; đồng thời, đây cũng là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, trong 50 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, củng cố, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Hoạt động văn hóa, giao lưu Nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đánh giá cao uy tín, vai trò, tầm quan trọng của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản; Thanh Hóa mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Nhật Bản về xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử, về giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động, tiếp nhận thêm các dự án ODA, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vực: quản lý hành chính công, quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị; cùng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, kết nối, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Nhật Bản đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức của tỉnh Thanh Hóa
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đăng cai, tích cực xây dựng ý tưởng và chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức hội nghị. Đây là dịp để hai bên cùng trao đổi những thông tin hữu ích, các ý tưởng hợp tác cụ thể, mở ra thời kỳ hợp tác mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong chương trình chào mừng kỷ niệm, Thanh Hóa đã tổ chức 20 gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp Nhật Bản; hoạt động trao đổi, làm việc giữa tỉnh Thanh Hóa với Đoàn công tác Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam; chương trình tham quan thực địa Khu kinh tế Nghi Sơn, Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ và các địa điểm du lịch tại TP Sầm Sơn.
Tại cuộc họp báo trước khi diễn ra hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin, Nhật Bản là nhà đầu tư có số vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với 17 dự án đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh, tổng vốn đăng ký 12,532 tỷ USD, chiếm 86% tổng vốn đầu tư FDI toàn tỉnh.
Một số dự án FDI của nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô lớn (như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng vốn đăng ký 9 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng vốn đăng ký 2,73 tỷ USD, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, tổng vốn đăng ký 622 triệu USD,...), có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, mà còn đối với sự phát triển chung của đất nước Việt Nam.
Ngoài ra, các hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, du lịch, viện trợ, giao lưu Nhân dân, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh với các đối tác Nhật Bản cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng thư ký Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam Hayashi Motoo cũng bày tỏ ấn tượng đặc biệt với tỉnh Thanh Hóa, nhất là Khu Kinh tế Nghi Sơn được trang bị hệ thống cảng biển hiện đại và kết nối hạ tầng thuận tiện, có nguồn tài nguyên du lịch hết sức phong phú. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng hợp tác về mặt kinh tế du lịch với Nhật Bản. Trong đoàn giao lưu lần này có sự tham gia của các Thống đốc và Phó thống đốc các tỉnh Yamanashi, Niigata, Wakayama. Đại diện chính quyền của các tỉnh đến từ Nhật Bản cũng rất mong muốn được xúc tiến và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Ông Hayashi Motoo hy vọng, tại các phiên hội nghị về những chuyên đề kinh tế, lao động, du lịch, giao lưu địa phương,… các ý kiến thảo luận, trao đổi về triển vọng, những vấn đề phải đối mặt, cơ chế chính sách của hai nước sẽ là cơ hội đánh dấu bước phát triển mới cho mối quan hệ hợp tác Nhật Bản - Việt Nam.