Tin liên quan
Ngày 6/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình Sự.
Ngoài hành vi của bà Phương Hằng và đồng phạm, nội dung kết luận điều tra còn ghi nhận những yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất cũng như tổn thất tinh thần của các bị hại đối với cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo đó, tổng số tiền vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên, và ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 88 tỷ đồng. Trong số tiền này được cho là bồi thường tổn thất về tinh thần do các phát ngôn xúc phạm và tổn thất vật chất.
Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, việc vợ chồng ca sỹ Thủy Tiên, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hơn 88 tỷ đồng liệu có căn cứ?
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết qua hàng loạt hành vi, phát ngôn vượt quá giới hạn của bà Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người, việc khởi tố, truy tố bà Hằng về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" của cơ quan chức năng là hoàn toàn hợp lý và kịp thời.
Đặc biệt là, hành vi này của bà Hằng xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của những cá nhân có tiếng nói, các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng.
Ca sỹ Thuỷ Tiên.
Đồng nghĩa với việc này, hành vi của bà Hằng không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân nhất định, mà còn gây tác động xấu đến nhận thức của người dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong một thời gian dài.
Vì thế, theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường, “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Ngoài ra, khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021 cũng quy định bị hại có quyền “đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường”.
Như vậy, trong trường hợp Bà Phương Hằng gây ra thiệt hại (cả về vật chất và tinh thần) cho các bị hại thì các bị hại hoàn toàn có quyền yêu cầu Bà Phương Hằng bồi thường.
Về việc xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, căn cứ quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015, thiệt hại này bao gồm: “Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu”.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Đối với thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, các bị hại có thể đưa ra yêu cầu bồi thường đối với các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần (Điều 592 Bộ luật dân sự hiện hành).
Trong đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, luật sư khẳng định, các bị hại khi có yêu cầu bồi thường thiệt hại và yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình trong vụ việc trên, thì cần phải cung cấp chứng cứ chứng minh có thiệt hại xảy ra trên thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bà Phương Hằng và hậu quả là thiệt hại xảy ra thực tế (thiệt hại về tài sản, danh dự nhân phẩm, uy tín...), căn cứ quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Trong trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị yêu cầu bồi thường của các bị hại thì mức bồi thường sẽ được xác định dựa trên giá trị thiệt hại thực tế cũng như thỏa thuận giữa các bị hại và bà Hằng.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình theo quy định tại Khoản 2 Điều 585 Bộ luật dân sự hiện hành.
: Lộc Fuho đi nhận ’xây hồ bơi dưới biển’, chưa làm đã tính rút ruột công trình và phản ứng của đối tác
Tóm lại, cá nhân, tổ chức khi nhận thấy quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu bồi thường và đưa ra mức bồi thường tương ứng với những thiệt hại, tổn thất tinh thần của mình; còn việc xem xét, quyết định mức bồi thường thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ vào các minh chứng mà bị hại đưa ra, cũng như vào thoả thuận của các bên liên quan.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp mà các bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại có thể phải chịu án phí theo quy định Pháp Luật. Cụ thể, nếu yêu cầu của họ không được Hội đồng xét xử chấp nhận hoặc chỉ được chấp nhận một phần thì bị hại phải nộp án phí đối với phần không được chấp nhận (trừ trường hợp họ được miễn án phí). Mức án phí phải chịu sẽ được xác định theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Trước những thông tin về bồi thường gây xôn xao, ở diễn biến mới nhất, trong bài viết trên Fanpage hơn 10 triệu lượt theo dõi, Thủy Tiên cho biết thông tin cô yêu cầu bồi thường 44 tỉ đồng là không chính xác, đồng thời khẳng định "không yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần 14 tỉ đồng như thông tin đang lan truyền". Nữ ca sĩ cho biết cô cũng không yêu cầu được xin lỗi vì thấy không quan trọng.
Về việc bồi thường thiệt hại kinh tế mà bà Nguyễn Phương Hằng gây ra cho công ty quản lý, Thủy Tiên cho biết đây là số tiền mà công ty đã bị tất cả các đối tác nhãn hàng đồng loạt hủy các hợp đồng đã ký, thậm chí một số đối tác còn kiện công ty quản lý ra tòa và yêu cầu bồi thường tổn thất.