Nhóm thiện nguyện Bếp sẻ chia do chị Lê Tường Vy, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, làm trưởng nhóm. Kinh phí duy trì bếp ăn thiện nguyện được vận động từ người thân, bạn bè, người quen biết và chi phí cá nhân của chị Vy.
Chỉ trong thứ Tư vừa qua, nhóm chị Vy phát 130 suất miến xào chay, 130 suất cháo cá hồi, trứng gà luộc cho thân nhân, bệnh nhi và nhân viên y tế BV. Đặc biệt, chị Vy còn phát yến chưng cho những bệnh nhi vào thuốc không ăn được cơm cháo và tặng tã, sữa cho các bệnh nhi ung thư khó khăn.
Bồng con trai ba tuổi đi nhận suất cơm thiện nguyện, chị Phạm Thị Nghĩa (37 tuổi, ngụ Trà Vinh) tỏ ra vui mừng: “Con tôi mắc ung thư máu và ung thư hạch, điều trị ở BV Nhi đồng TP đã hai tháng. Tuần nào tôi cũng được nhóm chị Vy cho cơm, đỡ nhiều lắm. Ngoài ra, ngày nào tôi cũng xin cơm từ thiện từ các nhà hảo tâm khác trong BV để đỡ một phần chi phí ăn uống”.
“Có những gia đình chỉ mong cơm từ thiện, cơm gì cũng được. Điều trị bệnh cho con thời gian dài, nhiều người khó khăn đến độ không còn tiền về xe. Khi nhận những hộp cơm này họ vui mừng cảm ơn rối rít. Điều này khiến tôi quyết định duy trì công việc phát cơm này. Khi nghe thân nhân kể lại nhiều cháu bé ở đây chỉ ăn cháo của bếp thôi, ăn một lần hết cả tô, còn cháo mua ngoài bé không thích ăn, tôi thấy rất vui và thêm động lực cố gắng” - chị Vy bày tỏ.
Chị Vy cho hay có rất nhiều sinh viên (SV) thích làּm tìnּh nguyện, tập hợp lại nấu cơm phát cho người vô gia cư. Biết được Bếp sẻ chia hoạt động được nửa năm, nhiều SV nhắn tin xin đồng hành cùng chị.
“Suốt hai năm qua đã có hơn hàng chục khóa với hàng trăm lượt SV đồng hành cùng Bếp sẻ chia. Có các SV phụ giúp, tôi được san sẻ công việc, đỡ vất vả đi nhiều” - chị Vy chia sẻ. Theo đó, vào chiều thứ Ba hằng tuần, từng nhóm SV gồm 5-7 bạn, sau khi tan học đã đến nhà chị Vy phụ giúp khâu chuẩn bị nguyên liệu. Những tuần sau đó lại có nhóm SV khác thay phiên nhau đến phụ giúp. Có nhóm còn đăng ký phát cơm vào sáng thứ Tư tại BV. Cũng có SV còn phụ chị Vy lái xe chở cơm cháo đến BV.
Bạn Lê Minh Phúc (SV năm hai Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: “Tôi thấy phát cơm miễn phí là việc làm thiết thực, giúp các bệnh nhi khó khăn có bữa ăn ngon. Tham gia công việc này còn giúp mang lại cho các SV như chúng tôi nhiều động lực trong cuộc sống, biết yêu thương và học được lòng biết ơn đối với cuộc sống này”.
Chị Quách Thanh Tuyền (38 tuổi), nguyên điều dưỡng trưởng khoa Ung bướu (BV Nhi đồng TP), cho biết: “Ngoài hỗ trợ về vật chất, chị ấy còn quan tâm, động viên tinh thần các bé. Tôi nghĩ chị Vy đã coi các bé như con cháu trong nhà thì mới làm được như vậy. Ngoài ra, chị Vy còn thường thăm hỏi những bệnh nhi khác và sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần”.