Sáng 5-4, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 2 dự án Luật gồm Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11-2022), dự thảo Luật hiện đã được chỉnh lý 55 điều.
Trong đó, về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, dự thảo luật mới đã chỉnh lý quy định theo hướng chỉ áp dụng với các trường hợp cụ thể như: Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu mua sắm vaccine trong quá trình thử nghiệm; có yêu cầu của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh và luật hóa một số trường hợp thật sự cần thiết...
Về mua thuốc, vật tư y tế, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều ở bản dự thảo luật trước đó, nhằm luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế hiện nay.
Ông Toàn cho biết, những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo luật.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội nghị
Cho ý kiến về nội dung này tại hội nghị, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ dấn đến tiêu cực, vì vậy Quốc hội cần xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề xuất, quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo hai đoạn: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần.
Bước thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần.
Tiếp tục góp ý vào quy định về đấu thầu tập trung mua thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại Điều 53 dự thảo luật, khoản 1 quy định: đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị, nên áp dụng đấu thầu tập trung hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ, rất ít, rất hiếm.
Cùng đó, đấu thầu mua sắm thuốc hiếm nên được thực hiện ở một đơn vị thuộc cấp Bộ Y tế để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trên cả nước.
Theo ông Trí, quy định như vậy mới đấu thầu được, mới có nhà cung cấp, phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các tuyến bệnh viện; đồng thời hạn chế những tiêu cực trong mua sắm, nhất là bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường.
ĐBQH Lê Văn Khảm
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng đồng tình với việc sửa đổi quy định về vấn đề đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo nữ ĐBQH, việc bổ sung các nội dung này là kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế. Đại biểu đồng tình với quy định theo hướng cho phép thực hiện hình thức đấu thầu này trong thời hạn 5 năm từ ngày Luật có hiệu lực thi hành để các cơ sở y tế có thời gian giải quyết các vấn đề, tồn tại hiện nay.
Tương tự, đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có những cơ chế, chính sách, những quy định tạo cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, các cơ sở khám chữa bệnh.
Trong đó, vị đại biểu này đặc biệt quan tâm đến nội dung về đàm phán giá.
Cụ thể, tại Điều 28 của dự thảo Luật đang quy định về đàm phán giá áp dụng đối với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất. Tuy nhiên ĐB Lê Văn Khảm đề nghị, cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với cả thiết bị và vật tư y tế.
“Chúng ta cần phải có cơ chế để đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và cho quỹ bảo hiểm y tế” – ĐB Khảm nói.