Nhiều lợi ích
Chat GPT có thể được sử dụng để tạo ra các cuộc thi và bài kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực giáo dục. Với khả năng tạo ra nội dung giáo dục mới, ChatGPT có thể tạo ra các câu hỏi và bài kiểm tra phù hợp với nhiều chủ đề khác nhau.
ChatGPT cũng có thể sử dụng các thuật toán để tạo ra các bài kiểm tra đa dạng và phong phú. ChatGPT cũng có thể tạo ra các tài liệu học tập đa dạng và phong phú, giúp học sinh tiếp cận với các tài liệu học tập khác nhau và tăng khả năng học tập...
Một số ý kiến cho rằng, với ChatGPT, một học sinh thay vì phải làm bài tập về nhà mất cả buổi tối, nay chỉ cần 15 phút là có thể hoàn thành. Hay sinh viên, đặc biệt là với lĩnh vực khoa học xã hội, có thể trả lời khá đầy đủ các bài luận khi sử dụng ChatGPT.
Chuyên gia giáo dục Lê Thống Nhất đánh giá, ChatGPT sẽ trở thành trợ lý hỗ trợ người thày để có thể lên lớp tự tin hơn. Do đó, nên xem ChatGPT là một trợ thủ.
Còn GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thì cho rằng, cần có lộ trình nhất định đối với việc ứng dụng công nghệ nhân tạo vào đổi mới giáo dục. Đây cũng được xem là cơ hội tiếp tục đổi mới nhận thức trong đội ngũ giảng viên về yêu cầu dẫn dắt, khả năng truyền thụ.
Để đánh giá tác động của ChatGPT trong giáo dục, theo một số chuyên gia, cần đứng ở nhiều góc độ, từ phía các nhà công nghệ, những chuyên gia công nghệ và đứng từ phía khai thác sử dụng, từ phía chuyên gia giáo dục, làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung, cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này.
Ủng hộ sử dụng ChatGPT trong giáo dục, TS. Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX khẳng định, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự học. Có ChatGPT, sinh viên mạnh dạn đặt câu hỏi hơn.
Còn PGS-TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, công nghệ giúp việc giảng dạy tốt hơn, hiểu sinh viên hơn, thày cô sẽ cùng trao đổi, thảo luận để nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, tại một hội thảo giáo dục gần đây, đã phát biểu rằng, công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thày, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. Đặc biệt, ChatGPT giúp cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học.
Với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thày chắc chắn sẽ không mất đi, nhưng sẽ phải thay đổi và thích nghi như cách đã thực hiện chuyển đổi số trong đại dịch Covid-19.
Làm sao để hạn chế tiêu cực?
Theo các chuyên gia giáo dục và công nghệ, trước mắt, cần dạy cho người học hiểu mặt tích cực và hạn chế, cũng như việc sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm và đạo đức, như việc ghi rõ nguồn nếu lấy tài liệu, ý tưởng từ ứng dụng này.
Về phía giáo viên, họ phải ý thức được mình phải là người dẫn dắt học sinh, chứ không chỉ truyền thụ kiến thức như trước đây. Đây là thách thức, nhưng đồng thời là cơ hội để giáo viên ở tất cả các bậc tham gia và phải nghiên cứu kỹ để có chính sách phù hợp. Không phải chính sách riêng của từng giáo viên, từng bậc học, mà là chính sách chung trong khối giáo dục nói chung.
Nêu quan điểm về vai trò của ChatGPT trong giáo dục, ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, ChatGPT là động lực để đầu tư công nghệ cho giáo dục, làm chủ công nghệ mới, nhưng cũng cần xác định thách thức của nó mang tính tích cực hay tiêu cực.
GS-TS Lê Anh Vinh, viện trưởng viện Khoa học giáo dục Việt Nam đặt vấn đề, công cụ mới cho phép học sinh được hỏi, song có một số chuyên gia quan ngại về chất lượng thông tin, chất lượng câu hỏi. Trí tuệ nhân tạo dựa trên phân tích sẵn có. Nếu nguồn dữ liệu có định kiến hoặc sai lệch, vậy làm thế nào để đảm bảo có thể sử dụng được câu trả lời từ công cụ này?
Còn theo PGS-TS Tạ Hải Tùng, khi đưa công nghệ vào hỗ trợ, chúng ta sẽ hiểu học sinh, sinh viên hơn, từ đó thiết kế bài giảng tốt hơn.
GS. Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni chia sẻ, khi sức nóng của ChatGPT lan tỏa khắp nơi, chúng ta không tranh cãi tốt hay xấu, mà nghiên cứu để ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này vào dạy học như thế nào, dạy sinh viên sử dụng đúng cách, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, cách tốt nhất để có sự thay đổi, thích ứng là phải hiểu công nghệ. Và cách tốt nhất để hiểu công nghệ là phải dùng công nghệ.
Ông Sơn cũng đề nghị các nhà trường đưa công nghệ vào giáo dục để giúp nhà giáo giảm bớt công việc, tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như bình đẳng trong giáo dục. Đây cũng là những điều Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng tới.
Ngành giáo dục cũng sẽ nghiên cứu cách hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào công nghệ để đạt được mục đích mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục, nhằm giúp mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Bên cạnh đó là việc giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường.
“Đó là những chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.