Tầng ozone đóng vai trò như một lá chắn giúp Trái đất tránh các bức xạ tia cực tím (UV) từ Mặt trời, từ đó bảo vệ cho cuộc sống trên bề mặt hành tinh.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature hôm 8/3 cho thấy, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được một phản ứng hóa học có trong khói cháy rừng, chưa từng được biết đến trước đây có khả năng phá hủy nặng nề tấm lá chắn đó.
Lỗ thủng mở thêm 10%
Tại Australia, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, nắng nóng gay gắt cùng với hạn hán đã gây ra những đám cháy được mệnh danh là “mùa Hè đen tối”, thiêu đốt những khu rừng bạch đàn rộng lớn. Khói và tro bụi bao trùm Sydney và nhiều thành phố khác trong nhiều tháng.
Theo các nhà nghiên cứu, khói từ các vụ cháy rừng khủng khiếp ở Australia đã gây ra những phản ứng hóa học làm mở rộng lỗ thủng tầng ozone thêm 10%. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, tần suất cháy rừng ngày càng tăng có thể làm chậm quá trình phục hồi lớp bảo vệ khí quyển của Trái đất chống lại các tia UV chết người.
Nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng, hơn 1 triệu tấn khói từ các đám cháy được “bơm” vào bầu khí quyển đã làm lỗ thủng tầng ozone tồn tại lâu hơn.
Giáo sư Susan Solomon, viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, phản ứng hóa học do khói gây ra đã phá vỡ các cạnh rìa của lỗ thủng tầng ozone ở bên trên vùng Nam Cực, khiến lỗ thủng này mở rộng thêm hơn 2 triệu km2, tương đương 10% diện tích của nó so với trước đây.
Lỗ thủng tầng ozone vốn do các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, thải các hóa chất nhân tạo vào bầu khí quyển của Trái đất. Những hóa chất này được gọi là chlorofluorocarbons hay tên rút gọn là CFC.
Trong những thập kỷ gần đây, một thỏa thuận toàn cầu về việc hạn chế sử dụng CFC đã giúp tầng ozone đang tự hàn gắn.
Nghị định thư Montreal năm 1987 được 195 quốc gia phê chuẩn, đã làm giảm đáng kể lượng CFC thải vào khí quyển, mặc dù các phân tử chất này vẫn tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Các nghiên cứu của Liên hợp quốc dự đoán, tầng ozone ở bên trên Nam bán cầu sẽ tự hồi phục hoàn toàn vào năm 2060.
Tuy nhiên, Giáo sư Solomon - người đầu tiên phát hiện các hóa chất gây ra lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực từ những năm 1980 bày tỏ lo ngại, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm chậm quá trình phục hồi này.
“Chúng tôi nghĩ rằng, cháy rừng sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn và điều nay có thể làm chậm quá trình tự hàn gắn của tầng ozone”, bà Solomon nói.
Từ lâu, các nhà khoa học đã liên hệ sự hình thành lỗ thủng tầng ozone với thời tiết cực lạnh. Bởi khi các đám mây ở nhiệt độ rất thấp sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho CFC phản ứng, biến thành chất chlorine có khả năng gây hại cho tầng ozone nhiều hơn cả chất CFC.
Giáo sư Solomon đã ví những đám cháy kinh hoàng ở Australia như một “cú sốc” với tầng ozone. Theo bà, nghiên cứu mới cho thấy các hạt khói lửa bay vào bầu khí quyển cũng có tác dụng kích hoạt một loạt phản ứng hóa học tạo ra chlorine monoxide gây hư hại tầng ozone. Đáng chú ý, phản ứng này có thể xảy ra mà không cần đến nhiệt độ quá lạnh.
Bằng cách kích hoạt phản ứng này, các đám cháy rất có thể đã góp phần làm suy giảm từ 3% -5% tổng lượng ozone ở bên trên Nam bán cầu, trên khắp Australia, New Zealand, một phần của châu Phi và Nam Mỹ.
Một nghiên cứu được các nhà khoa học Anh công bố vào tháng 8/2022 cũng khẳng định, sự tích tụ của các hạt khói từ các đám cháy trên diện rộng có thể đã gây ra những thay đổi về nhiệt độ khí quyển, làm kéo dài thời gian tồn tại của lỗ thủng tầng ozone bên trên Nam Cực.
Nỗ lực tìm giải pháp
Để góp phần ngăn chặn sự suy giảm của tầng ozone, các nhà khoa học cho rằng, cần tiếp tục nỗ lực thực hiện những chính sách như ngưng sử dụng các loại hóa chất dạng freon (CFC); nghiên cứu sử dụng các nguồn năng lượng sạch; tích cực dùng các sản phẩm xanh, thân thiện và an toàn với môi trường...Cùng với đó, cần tiến hành xử lý ô nhiễm cục bộ trong từng khu công nghiệp, nhà máy, công đoạn sản xuất riêng biệt giúp giảm thiểu các loại khí độc hại và bụi xả vào bầu khí quyển.
Bên cạnh đó, một trong những biện pháp hiệu quả là áp dụng chính sách thuế đối với rác thải, đặc biệt là đối với những chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tuyên truyền giáo dục, vận động và hỗ trợ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải tiến công nghệ nhằm loại trừ và ngăn chặn các hoạt động có ảnh hưởng xấu đến tầng ozone. Bảo vệ môi trường - bảo vệ tầng ozone chính là bảo vệ cuộc sống của chính họ.
Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone kể từ tháng 1/1994. Là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo lộ trình nghị định thư quy định.
Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao của quốc gia trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone và góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã triển khai kế hoạch quản lý loại trừ các chất CFC thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi công nghệ (giai đoạn một từ 2012-2017 và giai đoạn hai từ 2018-2023).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trước ngày 31/12/2023.