“Con của em nhưng là cháu của mẹ"
Chị Huỳnh Thị Thảo (40 tuổi, làm kế toán tại quận 1, TPHCM) và chồng hợp nhau trong mọi thứ, trừ việc ứng xử với mẹ chồng.
Mẹ chồng chị Thảo rất thương con cháu. Nhưng tình thương của bà đồng nghĩa với sự kiểm soát, áp đặt. Chính đứa con gái 7 tuổi của Thảo cũng nhận ra, nếu cháu cãi lời bà thì “bà sẽ đổ hết lên đầu mẹ”. Từ việc cháu ăn gì, ăn mấy giờ, học ở đâu, học những gì, bà giành quyết hết. Chuyện này trở thành mâu thuẫn lớn nhất giữa mẹ chồng - nàng dâu.
Có lần, chị Thảo đưa con đi chơi về trễ, đã thấy mẹ chồng ngồi chờ sẵn rồi mắng té tát cả hai mẹ con. Thấy con gái khóc, Thảo quá xót xa nên “cự” lại mẹ chồng. Mẹ lập tức chì chiết Thảo “ham chơi, không lo nổi chuyện ăn chuyện ngủ của con, tập cho con tính chơi bời…”. Lần khác, Thảo đang đưa con đi chơi với bạn thì mẹ gọi, giục đưa con về ngủ trưa. Lát sau, mẹ chồng chạy xe máy tới, hầm hầm giật đứa trẻ khỏi tay mẹ, đưa cháu về.
Thảo bần thần nhưng không dám phản ứng vì sợ ồn ào trước mặt bạn bè. Chẳng may, ngay tối đó, con của Thảo bị sốt. Tất nhiên, mẹ chồng Thảo xoáy vào nguyên nhân này, chì chiết nặng lời với con dâu suốt cả đêm. Sáng hôm sau, Thảo thưa chuyện với mẹ chồng về “tư cách làm mẹ” của mình. Thảo khẳng định cô là mẹ và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc nuôi con. Mẹ chồng như chỉ chờ có vậy, bắt đầu kể vanh vách từng lần cháu bệnh, từng lần Thảo đưa con đi chơi hay cho con ăn, ngủ sai giờ để quy tội Thảo về 7 năm làm mẹ. Cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng. Thảo đề nghị chồng nêu ý kiến. Lúc này, Đạt - chồng Thảo - mới nói: “Dù con là con của vợ chồng mình, nhưng cũng là cháu của mẹ, mẹ cũng có quyền”.
Sau cuộc nói chuyện hôm ấy, Thảo và chồng chiến tranh lạnh một thời gian dài rồi dẫn đến ly hôn.
“Camera chạy bằng cơm"
Hà Giang (giáo viên ở quận 7, TPHCM) và Anh Đức - chồng cô - đều đã qua 1 lần ly hôn. Giang chưa có con, còn Đức có 1 đứa con riêng 6 tuổi với vợ trước.
Mâu thuẫn vợ chồng Giang không đến từ đứa con riêng này mà vòng vèo qua đường mẹ chồng. Giang và Đức cưới nhau được 1 năm, sinh được cô con gái. Giang coi con của Đức như con ruột nên sau khi có con gái thì cô quyết định không sinh con nữa. Cô nói “2 vợ chồng 2 đứa trẻ là đủ đẹp cho 1 gia đình rồi”.
Nhưng mẹ chồng Giang không tin nên luôn đề phòng với con dâu, luôn sẵn tâm thế rằng Giang sẽ ngược đãi con riêng của chồng, sẽ khiến đứa bé khổ sở. Mỗi ngày, bà có thể coi camera nhà Giang 24/24 để giám sát quyền lợi cho cháu trai. Quyền được xem camera của bà có từ khi Đức còn gà trống nuôi con, để phụ con trai chăm cháu.
Có bữa, vừa sửa soạn cho các con ra đường thì Giang nghe mẹ chồng gọi điện mắng té tát: “Sao lại mặc đồ cho thằng Tí giống như ăn mày vậy, mày đừng có giở trò mẹ ghẻ ở cái nhà này nha!”. Hôm khác, Giang vừa đón 2 đứa trẻ về thì nhận điện của mẹ chồng: “Sao cho thằng Tí ăn xúc xích chiên vậy? Ăn vậy cho chết sớm rảnh nợ hay gì?”.
Tất cả những lời mắng của mẹ chồng đều nửa cảnh cáo nửa mỉa mai. Giang vừa ấm ức, vừa chán nản. Mỗi lần đem chuyện kể với chồng, cô đều nhận lại thái độ xuê xoa của anh. Anh nói: “Tâm lý của bà nội là thương đứa cháu thiệt thòi nên bà “canh me” với cả thế giới chứ không phải chỉ canh me với em”.
Khi cái camera trở nên quá phiền phức, Giang “phản công”, đề nghị chồng bỏ hết camera để gia đình có không gian riêng. Thế nhưng, mẹ chồng lập tức có… camera chạy bằng cơm thay thế. Bà hay đột nhập bất ngờ để kiểm tra tình hình của cháu nội. Và tất nhiên là lần nào bà cũng tìm ra cái gì đó “bất công với cháu trai” để xét nét con dâu.
Giang rất bức xúc nhưng không thể ngăn mẹ chồng đến nhà mình, cũng không thể đòi hỏi bà phải báo trước mỗi lần sang “thăm”.
Xích mích với mẹ chồng âm thầm trở thành điểm gợn giữa vợ chồng Giang. Nhưng Đức hay dỗ vợ rằng “mẹ cũng vì quá thương cháu nên mới vậy”, Giang đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Trong một lần Giang la rầy con trai khiến cháu buồn bã, bỏ ăn, Đức thốt lên một câu khiến mọi chuyện vỡ lở. Anh nói: “Em nghiêm khắc với con như thế nên mẹ mới nói em thương con không đều, chỉ thương trước mặt người khác”.
Chính lần ấy, Giang quyết định “buông xuôi”. Theo Giang, cô đã thương con chồng như máu mủ, nhưng việc nuôi con chồng khó gấp ngàn lần khi xung quanh cô là những hoài nghi không hồi kết lên chính hành trình làm mẹ của mình. Cô ly hôn để “từ chối sống cùng sự vô lý của mẹ chồng”, nhưng thực chất, sự tan vỡ của cuộc hôn nhân này bắt đầu khi cô nhận ra chồng mình “đồng lõa” với những hoài nghi lạnh lùng và vô lý kia.
Giang, Thảo đều chọn kết thúc hôn nhân chỉ vì thái độ của chồng trước những bà mẹ chồng khắt khe. Câu nói vào cái ngày quyết định kia của anh cũng chính là cách mà anh đối diện với mối xung đột dai dẳng giữa mẹ chồng - nàng dâu suốt 8 năm hôn nhân.
Anh luôn nhập nhằng giữa “quyền tự quyết”, quyền riêng tư giữa vợ chồng và “quyền làm bà”, “quyền làm mẹ” của mẹ chồng. Điều này bào mòn mọi tâm huyết và hy vọng của người vợ.
Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Tạo khoảng cách an toàn
Nói “ly hôn vì mẹ chồng”, nhưng thực chất, mẹ chồng trong những câu chuyện này chỉ là thử thách. Hôn nhân không tan vỡ vì thử thách, mà tan vỡ vì những khiếm khuyết nội tại của mối quan hệ. Mẹ chồng càng khắc nghiệt, càng lột trần những điểm yếu của hôn nhân. Nếu sự gắn bó vợ chồng không đủ vững, hay cụ thể là nếu người đàn ông không đủ bản lĩnh thì hôn nhân rất khó bền vững. Nhã Trinh (nhân viên bán hàng tại một công ty thực phẩm ở quận 3, TPHCM) thấm thía điều này hơn ai hết.
Mẹ chồng của Trinh vốn rất xét nét và hay làm khó con dâu. “Đề tài” xuyên suốt của bà là đề phòng con dâu đụng chạm đến quyền và lợi ích của con gái và cháu ngoại. Dù con gái đã lấy chồng, sinh con và sống riêng, nhưng thỉnh thoảng mẹ vẫn lên cơn tam bành vì cho rằng Trinh đã xê dịch hay làm mất món đồ nào đó của con bà. Bà sẵn sàng xúc phạm, vu oan cho con dâu, thậm chí la mắng cháu nội chỉ vì một món đồ nào đó của con gái hay cháu ngoại bà.
Hồi tết 2022, Trinh vừa nghỉ làm là lăn vào dọn căn nhà 3 tầng hết 3 ngày trời. Chưa kịp tận hưởng thành quả, Trinh đã thấy mẹ chồng xông vô phòng, mắng “sao để thùng quần áo của em chồng lên nhà kho”. Chỉ vì cất thùng quần áo cũ của cô em chồng đi, Trinh bị mẹ chồng quy tội “làm trời làm đất, âm mưu chiếm chỗ của em chồng”.
Đêm đó, Trinh thưa với ba mẹ chồng rằng cô sẽ ra riêng và lập tức dọn đồ đến căn nhà trọ của người bạn. Khi ấy, cô đã sẵn sàng ly hôn nếu chồng không chịu ra riêng sau tất cả những khổ sở Trinh đã chịu vì sự quá quắt của mẹ chồng. May thay, lần ấy, chồng Trinh mạnh mẽ bảo vệ hôn nhân. Anh quyết ra sống riêng để vợ con ổn định tâm lý. Sau khi ra riêng, mối quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu tốt dần lên vì Trinh không chạm vào “điểm chết” trong tâm lý mẹ chồng nữa.
Theo kinh nghiệm của Trinh, tất cả những bà mẹ chồng quá quắt đều có chung một lý lẽ là “muốn tốt cho con”, đồng thời, họ không tin tưởng con. Một số mẹ chồng có xu hướng quan tâm quá đà đến một việc gì đó (có thể là về chuyện nuôi dạy cháu, chuyện dinh dưỡng, tài chính gia đình…) mà họ cho rằng con trai/con dâu họ chưa đủ chín chắn để xử lý.
Kết quả là những cuộc can thiệp đầy thô bạo, phản tác dụng. Thế nhưng, khi hiểu bản chất của vấn đề, các đôi sẽ bình tĩnh hơn, có hướng xử lý phù hợp hơn thay vì xoáy sâu vào xung đột với mẹ chồng. Phương án của Trinh là giữ khoảng cách với điều mà bà mẹ đang cố bảo vệ hoặc chủ động bàn bạc với bà mẹ về cách hành xử mà họ mong muốn với điều đó.
Khi không thể thống nhất quan điểm, cách tốt nhất là giữ khoảng cách với điều họ quan tâm quá đà và tạo điều kiện gánh vác một phần vấn đề đó. Sự thấu hiểu của người chồng quyết định phần lớn câu chuyện vượt khó của hôn nhân, trước thử thách mẹ chồng.