Sau khi triệt phá 2 băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động đòi nợ cho các ngân hàng hay công ty tài chính, Cục Cảnh sát Hình Sự (C02 - Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Tiền Giang, Công an Hà Nội đã khởi tố, tạm giam và làm việc tổng số hơn 100 người để mở rộng vụ án.
Theo Cục C02, phương thức, thủ đoạn hoạt động, cấu trúc của các ổ nhóm tội phạm hoạt động dưới vỏ bọc là các công ty kinh doanh. Họ có xu hướng phạm tội theo hình thức truyền thống kết hợp tội phạm công nghệ cao. Việc đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm trên thể hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Chuyên đề 231 về đấu tranh, phòng chống tội phạm tín dụng đen.
khủng bố điện thoại, bôi nhọ danh dự để đòi nợ
Chỉ ra thủ đoạn hoạt động của nhóm công ty do Trần Hồng Tiến (sinh năm 1974, trú quận 1, TP.HCM) điều hành, Cục Cảnh sát Hình Sự phân tích công ty đòi nợ mua các khoản nợ khó đòi khách hàng từ Công ty tài chính TNHH MTV Mirae asset Việt Nam (địa chỉ tại quận 1, TP.HCM) và một số tổ chức tín dụng khác với giá bằng 12-15% giá trị của tổng số tiền khách nợ.
bị can Trần Hồng Tiến. Ảnh: Công an Hà Nội.
Nắm được thông tin khách hàng và khoản nợ từ Mirae asset, công ty đòi nợ phân chia vào tài khoản của từng nhân viên thuộc bộ phận truy thu. Nhiệm vụ của nhân viên đòi nợ là liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của nạn nhân (dù họ không liên quan đến khoản vay).
Bộ phận đòi nợ còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân kèm hình ảnh đồּi trụּy, gắn họ với các thông tin sai sự thật. Sau đó, phía đòi nợ dùng tài khoản ảo đăng tải, bình luận trên mạng xã hội, nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng trả tiền.
Cục C02 nhấn mạnh theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 và quy định về việc các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký trước ngày 1/1/2021 phải thanh lý, thì mọi tổ chức núp bóng để mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ thuê là trái Pháp Luật.
Tiền đòi nợ thuê là do phạm tội mà có
Đối với băng nhóm do Trần Văn Châu (43 tuổi) và Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, đều là Phó giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt) cầm đầu, cơ quan công an xác định đây là tổ chức tội phạm hoạt động núp bóng công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý.
Nhà chức trách cáo buộc hoạt động của Công ty Luật Pháp Việt là nhận đòi nợ thuê cho Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và các công ty tài chính như Shinhan Việt Nam.
Điển hình là vụ "khủng bố" trường tiểu học ở Tiền Giang để đòi nợ dù nhà trường không hề liên quan. Theo đó, năm 2019, anh B. (ở thị xã Cai Lậy) vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Phương Đông, nhưng không có khả năng chi trả. Tháng 7/2022, OCB đã chuyển hợp đồng vay của anh B. cho Công ty luật Pháp Việt để đòi nợ.
Theo cáo buộc, nhân viên trực tiếp đòi nợ anh B. là Hà Thị Hiệp (33 tuổi, trú huyện Bình Chánh, TP.HCM). Hiệp khai được công ty giao đòi nợ anh B. theo số tiền trên hợp đồng là hơn 100 triệu đồng. Ban đầu, cô ta gọi điện thoại đe dọa, đòi giết con và người thân của anh B. Sau đó, anh B. lo sợ, nên trả cho Ngân hàng OCB 10 triệu đồng.
Ngày 26/10/2022, Hiệp tiếp tục gọi điện, nhắn tin cho giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu trường tiểu học nơi cháu của anh B. đang học. Hiệp yêu cầu nhà trường cho cháu nghỉ học, nếu không sẽ không để yên cho gia đình các giáo viên. Ngày 27/10, Hiệp nói với cửa hàng gas giao một bình gas đến trường học. Sau đó, cô ta gọi điện thoại cho cô giáo ra nhận bình gas, nếu không sẽ cho nổ cả trường.
Cục C02 phân tích Công ty luật TNHH Pháp Việt có 3 cấp độ: Thứ nhất, họ gọi điện đe dọa khách; thứ 2, gọi điện đe dọa trả tiền nếu không sẽ giết người thân; thứ 3 là mang bình gas, quan tài, xăng đến đe dọa cho nổ tung cơ quan, nhà của khách hàng và người thân.
Bên cạnh đó, Công ty luật Pháp Việt còn mượn danh nghĩa luật sư để đứng tên làm giám đốc và đăng ký hoạt động trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, thực tế họ không trợ giúp pháp lý như pháp nhân đã đăng ký. Số tiền mà công ty nhận được từ các công ty tài chính, ngân hàng có dấu hiệu do phạm tội mà có.
Qua 2 vụ việc nêu trên, Cục Cảnh sát Hình Sự đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt. Các ngân hàng, công ty tài chính liên quan cần dừng ngay việc cung cấp danh sách tên khách hàng đang có khoản nợ. Việc này gây ảnh hưởng đến uy tín khách hàng, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, Cục C02 khuyến cáo người dân cần tố cáo hành vi đòi nợ trái Pháp Luật đến cơ quan công an nơi gần nhất để được kịp thời hỗ trợ giải quyết.