“Người dân cần chấp nhận giá điện 5-7%”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023, dự báo 5-7%. EVN đang lỗ tới 31.000 tỷ đồng, trong khi, chi phí đầu vào tăng, giá than tăng mạnh, nếu không được tăng giá điện thì Tập đoàn này lỗ lớn, từ đó tác động tới an ninh năng lượng“.
“Người dân cần chấp nhận giá điện 5-7%”
Lạm phát tăng trong nước. (Nguồn: viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV)

Tại chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 67 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức sáng 25/2, TS.Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính-tiền tệ Quốc gia đã đưa ra những dự báo về tình hình lạm phát trong năm 2023.

Theo ông Lực, năm nay, chỉ số lạm phát Việt Nam sẽ tăng ít nhất hết quý I/2023, ngược lại, thế giới có xu hướng giảm. Vị chuyên gia cũng đưa ra các lý do giải thích cho nhận định trên.

Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam có độ trễ so với thế giới. Chúng ta phải nhập khẩu nhiều, nếu tách và phân tích các chỉ số, nhập khẩu lạm phát đang chiếm tỷ trọng 1/2, một nửa còn lại liên quan đến cung tiền trong nền kinh tế. Có thể hiểu, doanh nghiệp nhập các nguyên liệu về sau đó sản xuất hàng hóa, rồi bán hàng, người tiêu dùng sẽ phải trả giá cuối cùng cho sản phẩm (nhập khẩu lạm phát) đó, độ trễ mất khoảng 6 tháng.

Thứ hai, Nhà nước phải điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ như điện, y tế, giáo dục… "Đối với giá điện, người dân cần chấp nhận giá điện tăng năm 2023, dự báo 5-7%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang lỗ tới 31.000 tỷ đồng, trong khi, chi phí đầu vào tăng, giá than tăng mạnh, nếu không được tăng giá điện thì Tập đoàn này lỗ lớn, từ đó tác động tới an ninh năng lượng, không đảm bảo cung ứng điện", ông Lực nói.

Thứ ba, lượng cung tiền tung ra nền kinh tế năm 2023 cũng sẽ tăng mạnh so với năm 2022. Bởi bên cạnh tín dụng tăng trưởng 14-15% thì đầu tư công giải ngân tăng 20-25% so với cùng kỳ.

Liên quan đến vấn đề giá điện, hồi đầu tháng 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. 

Cụ thể, từ ngày 3/2, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017/QĐ-TTg, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh, giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh.

Cũng theo Quyết định, khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

"Khung giá bán lẻ điện bình quân" là mức sàn và trần để Chính phủ quy định cứng "giá bán lẻ điện bình quân". Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay. Còn giá bán lẻ điện bình quân hiện vẫn là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ 2019 đến nay.

Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi EVN yêu cầu khẩn trương hoàn thành phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật