Bị bán như món hàng
Gia đình D. có hoàn cảnh khó khăn. Em là con cả trong gia đình có 3 anh em. Vì hoàn cảnh nên D. đã nghỉ học từ năm lớp 7.
Để phụ giúp gia đình, năm 2021 em ra Nam Định làm nhân viên ở một quán karaoke. Tại đây, D. quen một người khách tên Tuấn. Giữa D. và người khách này thường xuyên liên lạc, nói chuyện với nhau qua mạng xã hội Facebook.
Cuối năm 2021, D. xin nghỉ làm việc tại quán karaoke để về quê. Khoảng thời gian ở nhà, D. liên tục được Tuấn rủ đi vào TP.HCM làm việc với những lời hứa hẹn rót mật vào tai.
“Anh ấy nói vào Nam làm việc nhẹ lương cao. Chỉ đi chợ và nấu ăn cho một người bạn của anh ấy cùng tên Tuấn (hay còn gọi là Tuấn “Sài Gòn”) với mức lương 6 triệu đồng/tháng”, D. kể lại.
Tin tưởng Tuấn, đầu năm 2022, D. đã xin gia đình vào Nam đi làm và được Tuấn “Sài Gòn” đặt sẵn vé máy bay. D. đi theo hướng dẫn của Tuấn. Khi vào tới nơi, D. được Tuấn “Sài Gòn” đón và đưa về nhà ở.
Ở nhà Tuấn “Sài Gòn” gần nửa tháng, D. được Tuấn đưa đi Campuchia bằng xe ô tô 4 chỗ, bảo là đi du lịch. Sang tới đất Campuchia em được đưa vào một casino. Tại đây, Tuấn “Sài Gòn” bất ngờ biến mất và mất liên lạc.
“Ở casino có một người phụ nữ tên Âu tự xưng là chủ. Người này đến thông báo em đã bị bán sang đây để làm việc với giá 2.500 USD. Người này nói, công ty sẽ trả lương 1.000 USD/ tháng. Lúc này em mới té ngửa mình đã bị lừa bán sang Campuchia”, D. nhớ lại.
D. kể, công việc của em là bưng bê nước và dẫn khách vào bàn chơi bài trong casino. Thời gian làm việc bắt đầu từ 9h sáng đến 23h đêm, có hôm đến 2,3h sáng. Mọi hoạt động, cử chỉ làm việc, đi lại của D. đều có người của họ theo dõi. Đặc biệt không được sử dụng điện thoại.
Nơi làm việc trong casino được nhân viên trông coi, giám sát. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Họ nói trả lương 1.000 USD/tháng, thực chất bọn em chẳng được trả một xu nào. Chúng còn dọa, nếu không chịu làm sẽ bị đánh đập, tra tấn. Vì quá sợ nên em vẫn phải làm theo chỉ đạo của bọn chúng. Hằng ngày em lừa khách hàng vào một cái app lừa đảo để kiếm tiền phi pháp.
Ở đây bọn em bị bán đi bán lại như một món hàng. Em làm cho bà chủ tên Âu được 3 tháng thì bị bà này bán lại cho một chủ khác với giá 4.600 USD”, D. cho biết.
Vay cả trăm triệu để chuộc con
Theo D., hơn 3 tháng em làm việc trong casino là khoảng thời gian khổ cực cả về thể xác và tinh thần. Thời gian làm việc gần như cả ngày lẫn đêm. D. không được ra khỏi phòng, đi đâu cũng có người giám sát, theo dõi.
Không những thế, quản lý ở đây thường xuyên “dằn mặt” nhân viên bằng cách cho xem những đoạn clip bọn chúng ghi lại cảnh nhân viên bị tra tấn kinh hoàng do không nghe lời hoặc mắc lỗi trong quá trình làm việc.
“Ở đây ai cũng sợ lên tầng 8 của tòa nhà, bởi đây là nơi để tra tấn nhân viên. Khi chúng em làm không đúng ý thì ngay lập tức bị đe dọa có muốn lên tầng 8 không. Những clip bọn em thấy là những hình ảnh nhân viên bị tra tấn bằng dây sắt, dùi cui điện. Một khi đã bị đưa đi tra tấn thì chỉ có con đường chết”, D. kể.
Chị C. phải vay mượn tiền cả trăm triệu để cứu con từ casino ở Campuchia về nước
Theo D., mục đích của casino này là dùng nhân viên để kiếm tiền phi pháp. Mặt khác, nếu những người bị lừa bán muốn thoát khỏi nơi này thì phải đóng đủ số tiền bọn chúng yêu cầu. Chính vì vậy D. đã phải nhắn tin về cho gia đình gửi tiền chuộc, nếu không muốn bỏ mạng ở xứ người.
Bọn chúng yêu cầu phải chuyển 120 triệu đồng sang chuộc, thời hạn 5 ngày phải có, nếu không họ sẽ bán cho công ty khác.
Chị C. (mẹ của D.) cho biết, mặc dù gia đình rất khó khăn, nhưng khi nhận được thông tin “cầu cứu” của con, gia đình chị đã phải lập tức đi vay mượn tổng cộng số tiền 140 triệu đồng để chuộc con (120 triệu tiền chuộc, 20 triệu chi phí trở về).
Khi nhận đủ số tiền theo yêu cầu, D. được chủ casino chụp ảnh gửi cho bảo vệ nhận diện khi ra khỏi cổng.
Ra khỏi cổng, D. được xe ô tô chở thẳng về cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Cách cửa khẩu khoảng 200m em được thả xuống và tự tìm cách bắt xe về quê.