Tối ngày 1/2, hàng nghìn người dân quanh vùng và khách thập phương đã về xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ để tận mắt chứng kiến lễ hội Trò Trám hay còn gọi là "Linh tinh tình phộc" diễn ra vào lúc nửa đêm (tức đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng Giêng âm lịch).
Theo người dân địa phương mọi năm lượng người đổ về cũng rất đông nhưng năm nay lễ hội thu hút lượng người đông hơn cả. Ảhnh: Gia Khiêm
Trước đó, ngay từ tối đã diễn ra nhiều chương trình khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương). Lãnh đạo địa phương và người dân cũng đổ về miếu thờ thắp hương cầu may.
Đúng 12h đêm, ông Chử Đức Bách (71 tuổi) chủ từ miếu Trò làm lễ tế, bắt đầu buổi "lễ Mật". Trước tiên là tung đồng tiền xu để cầu xin thần thánh. Đây cũng là lúc, linh vật được đưa ra ra từ nơi cất giấu linh thiêng trong ngôi miếu. Linh vật được chủ từ đưa xuống trong một chiếc hòm được đóng cẩn thận. Người Tứ Xã quan niệm, khi các thần linh chứng giám thì lúc đó linh vật mới thiêng, chiếc hộp lúc này sẽ được đưa ra.
Hàng nghìn người theo dõi lễ hội. Ảnh: Gia Khiêm
Thời điểm giao thời được cho là giờ lành, là thời điểm giao hòa giữa trời và đất. Chủ từ cất tiếng ca kêu gọi đôi nam nữ ra ngoài. Năm nay vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990) được người dân trong làng tín nhiệm giao nhiệm vụ thực hiện nghi thức Linh tinh tình phộc. Linh vật được trao cho anh Chiến và chị Huyền - là cặp vợ chồng có gia đình hòa thuận, nếp sống lành mạnh.
Chủ từ cất tiếng ca kêu gọi đôi nam nữ ra ngoài. Ảnh: Gia Khiêm
Linh vật được chủ từ đưa xuống trong một chiếc hòm được đóng cẩn thận. Người Tứ Xã quan niệm, khi các thần linh chứng giám thì lúc đó linh vật mới thiêng, chiếc hộp lúc này sẽ được đưa ra. Ảnh: Gia Khiêm
"Nõ" và "Nường", tượng trưng cho giới tính của nam và nữ, là linh vật chính của lễ hội, được làm bằng gỗ mít, sơn màu đỏ, là vật để tế và cầu cho nòi giống sinh sôi. Nghi lễ này chỉ thực hiện duy nhất một năm một lần vào lúc 0h hôm nay.
Khi chủ tế yêu cầu tắt đèn, hô lên cũng là lúc hai linh vật giao kết và ước vọng cho mùa màng bội thu. Theo tuần tự của mỗi lần hô, anh Chiến, chị Huyền vừa múa miệng vừa hát "Bên kia có nứng cùng chăng/ Bên này lủng lẳng như giằng cối xay".
Khi chủ tế yêu cầu tắt đèn, hô lên cũng là lúc hai linh vật giao kết và ước vọng cho mùa màng bội thu. Ảnh: Gia Khiêm
Hát xong người vợ lại cầm nường lên, anh chồng cầm nõ "phộc" vào. Tổng cộng ba lần như thế trong đêm tối, chủ tế nghe cạch đủ ba tiếng thì cho mở đèn trở lại, phút ấy gọi là phút thiêng. Xong xuôi mọi người đạp chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết "lễ Mật" đã thành công trong tiếng vỗ tay của dân làng.
Trao đổi với PV Báo , anh Chiến cho biết, cả hai vợ chồng đều là người gốc địa phương, công việc hàng ngày của hai người là buôn bán tự do trong xã. Đây là năm thứ 8, hai vợ chồng đường tín nhiệm giao nhiệm vụ thực hiện nghi lễ Linh tinh tình phộc.
Hàng nghìn người hào hứng nhưng có người "ngượng đỏ mặt" đứng theo dõi bên ngoài. Ảnh: Gia Khiêm
Dù đã có thâm niên và kinh nghiệm làm nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội, nhưng khi được hỏi cả hai đều vẫn tỏ ngại ngùng. Chị Huyền cho biết, 3 năm dịch bệnh ban tổ chức chỉ thực hiện phần nghi lễ, không có người dân, khán giả trực tiếp theo dõi nên khi đó tâm lý hai vợ chồng thoải mái hơn nhiều.
"Dù tập luyện chu đáo, cẩn thận từ trước nhưng khi đông người đứng vây quanh, không gian chật hẹp nên đâm nõ vào nường rất dễ bị trượt và bản thân hai vợ chồng tôi cũng cảm thấy áp lực hơn nhiều. Thậm chí là ngượng đỏ cả mặt", chị Huyền cười nói.
Suốt một thời gian dài được tín nhiệm thực hiện nghi lễ, đã có không ít lần hai vợ chồng anh Chiến xin "nghỉ hưu sớm" để nhường nhiệm vụ cho người khác, tuy nhiên Ban tổ chức chưa đồng ý.
"Khi được giao nhiệm vụ thì mình phải thực hiện và luôn phải cố gắng thực hiện sao cho tốt nhất vì đó là đại diện cho cả dân làng, nếu làm không tốt trong năm dân làng làm ăn không tốt bản thân mình cũng cảm thấy áy náy", chị Huyền chia sẻ.
Về phía bản thân mình, hai vợ chồng anh Chiến, chị Huyền cho rằng, gia đình cảm thấy cuộc sống may mắn hơn khi được thực hiện nghi lễ này. Cụ thể, hai vợ chồng hiện có được 3 cậu con trai ngoan ngoãn, mạnh khỏe, trong đó cháu út năm nay mới hơn 2 tuổi.
"Năm 2020 tôi sinh cháu út, nghĩ rằng năm hai vợ chồng không làm nghi lễ quan trọng nhất, nhưng dịch bệnh bùng phát, lễ hội không được tổ chức", chị Huyền chia sẻ và mong muốn năm mới dân làng nhiều may mắn, làm ăn thuận lợi, gia đình yên ấm.