1. Vào mùa xuân năm 1930, trước yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh của người sáng lập Đảng để mở ra "pho lịch sử bằng vàng" của Đảng cộng sản Việt Nam trong 93 năm qua.
Nói đến bản lĩnh Hồ Chí Minh là nói đến bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh chính trị của người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất. Bản lĩnh ấy được bộc lộ qua những tố chất đặc biệt, như: sự nhạy cảm với cái mới, tầm nhìn vượt trội; tư duy độc lập, tự chủ; sự sáng tạo trong vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tư cách là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, bản lĩnh Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều khía cạnh.
BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH
Bản lĩnh Hồ Chí Minh thể hiện trong việc tìm ra chân lý lớn của thời đại: chủ nghĩa Mác - Lênin. Đầu thế kỷ 20, phần lớn các dân tộc Á - Phi đều là thuộc địa của các nước đế quốc hùng mạnh. Biết bao người yêu nước đã rơi vào tình cảnh vô vọng, mất phương hướng do không tìm được con đường đúng đắn, như nhà thơ Tố Hữu đúc kết: "Muôn dặm đường xa biết đến đâu/Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu/Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng/Bạn cùng ai đất khách dãi dầu?". Với sự nhạy cảm của bậc thiên tài, Nguyễn Ái Quốc đã quả quyết: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin" và "muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
Ở thời điểm lịch sử có nhiều ngã rẽ và các dân tộc thuộc địa còn bị trói buộc trong vòng tăm tối, nô dịch, việc tìm ra một học thuyết tiên tiến và con đường cứu nước thuận lòng dân, hợp thời đại đã thể hiện tầm nhìn và sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Với Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là "cẩm nang" cứu nước mà còn là tiền đề, là nhân tố cơ bản dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bản lĩnh của Hồ Chí Minh còn thể hiện trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng hết sức công phu, sáng tạo. Nếu Lênin cho rằng, Đảng cộng sản ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân thì Nguyễn Ái Quốc cho rằng, trong sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam cần sự xuất hiện của yếu tố thứ ba: phong trào yêu nước. Nắm vững đặc điểm riêng của dân tộc Việt Nam - một dân tộc có truyền thống yêu nước nồng nàn, Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ vào phong trào công nhân mà còn vào phong trào yêu nước, với bộ phận rất quan trọng là lực lượng thanh niên trí thức yêu nước.
Nhờ kết hợp nhuần nhuyễn cái phổ biến với cái đặc thù trong quy luật ra đời của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã tạo cho Đảng cộng sản Việt Nam truyền thống gắn bó chặt chẽ với dân tộc ngay từ thời khắc sinh thành.
2. Bản lĩnh chính trị của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự thận trọng hiếm có của Người trong công tác tổ chức. Dù sớm quả quyết "phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi", khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc không thành lập ngay Đảng cộng sản Việt Nam mà lại thành lập tổ chức tiền thân của Đảng là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, để qua hoạt động của tổ chức này, các điều kiện thành lập Đảng mau chóng chín muồi.
Là phái viên của Quốc tế cộng sản, với bản lĩnh phi thường, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tiến hành hội nghị hợp nhất các đảng cộng sản tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào mùa xuân năm 1930. Trong hội nghị mang tầm vóc đại hội, tư duy sáng tạo và tinh thần độc lập, tự chủ của Nguyễn Ái Quốc đã bộc lộ hết sức rõ nét khi Người quyết định thành lập Đảng cộng sản Việt Nam chứ không phải là Đảng cộng sản Đông Dương như Quốc tế cộng sản chỉ đạo.
Người đã soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta - một cương lĩnh giải phóng dân tộc nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp, thấm đượm tinh thần dân tộc với quyết tâm chống đế quốc, giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Quan điểm này của Nguyễn Ái Quốc có sự khác biệt lớn so với chủ trương đấu tranh giai cấp hết sức quyết liệt của Quốc tế cộng sản thời đó.
Người cũng nhấn mạnh cơ sở xã hội rộng rãi cũng như tính đại diện cho lợi ích dân tộc của Đảng, khi ghi rõ trong Điều lệ vắn tắt của Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930: "Ai tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thời được vào Đảng". Như vậy, điều kiện để trở thành đảng viên của Đảng cộng sản VN không phải là thành phần xuất thân từ giai cấp công nhân mà là sự giác ngộ lý tưởng của giai cấp đó. Những quan điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc đã làm cho Đảng cộng sản VN có cơ sở xã hội rộng lớn, cho dù giai cấp công nhân Việt Nam lúc đó chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé.
Rõ ràng là, nếu Tuyên ngôn Đảng cộng sản của C.Mác - Ph.Ăngghen là cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp vô sản toàn thế giới thì Chính cương thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh soạn thảo và được thông qua tại hội nghị thành lập Đảng chính là cương lĩnh chính trị đầu tiên của giai cấp vô sản Việt Nam. Công lao, bản lĩnh của Hồ Chí Minh trong việc thành lập Đảng ngày càng được lịch sử khẳng định và tôn vinh.
3. Với vai trò là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gắn kết vận mệnh của dân tộc Việt Nam với vận mệnh của Đảng. Cũng dưới sự rèn luyện, dẫn dắt của Người, Đảng cộng sản Việt Nam đã trở thành đảng cầm quyền khi mới 15 tuổi và vị thế ấy được giữ vững trong gần 80 năm qua. Yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước hiện nay đòi hỏi Đảng cộng sản Việt Nam phải vững mạnh hơn bao giờ hết. Muốn thế, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, kiên quyết đẩy lùi mọi sự suy thoái trong tổ chức.
Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam cũng chính là người đưa ra lời cảnh báo sâu sắc: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Nhìn lại chặng đường 93 năm phát triển của Đảng, những người cộng sản chân chính sẽ rất đỗi tự hào về những kỳ tích của Đảng nhưng cũng không ít sự day dứt về những vấn nạn đang tồn tại trong hàng ngũ của mình. Nếu mỗi thắng lợi của Đảng đều kết tinh từ sự hy sinh, phấn đấu của hàng triệu đảng viên thì trong mỗi hạn chế, khuyết tật của tổ chức Đảng, mỗi đảng viên cũng phải nhận lấy một phần trách nhiệm.
Đẩy mạnh đấu tranh chống sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lúc này là yêu cầu mang tính sống còn, là trách nhiệm không thể thoái thác của những người cộng sản. Muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm", không chỉ cần một sự đồng lòng, quyết tâm, nhất trí cao độ mà còn cần một chiến lược khoa học, khôn khéo, bài bản về phương thức tiến hành.
Mỗi chiến sĩ trung kiên của Đảng phải có niềm tin vào thắng lợi của cái thiện trước cái ác, nhưng cũng không được phép ảo tưởng vào một phép màu nào đó có thể xóa hết mọi hiện tượng tiêu cực chỉ trong "một sớm, một chiều". Sự kiên quyết phải đi đôi với lòng kiên trì và tư duy khoa học. Đó vừa là cách tri ân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, vừa là lương tâm, trách nhiệm của mỗi đảng viên trước vận mệnh của Đảng và tương lai của dân tộc.