Tin liên quan
Chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đã quyết định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine, giúp lực lượng của Kiev có khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn phía sau tiền tuyến.
Gói viện trợ quân sự trị giá hơn 2 tỷ USD cho Ukraine sẽ bao gồm bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) với tầm bắn 150km, cùng với vũ khí chống tăng Javelin, phương tiện chống mìn, hệ thống rocket phóng loạt (MLRS) và thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot, Reuters đưa tin hôm 31/1.
Các tên lửa GLSDB sẽ giúp các lực lượng Ukraine vươn xa hơn, tăng gần gấp đôi tầm bắn của các loại đạn MLRS và HIMARS mà Washington và các đồng minh NATO cung cấp trước đó.
Washington đã phê duyệt kế hoạch gửi xe tăng M1 Abrams tới Kiev vào tuần trước. Trước đó, Tổng thống Biden từng tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cung cấp xe tăng hoặc máy bay, cảnh báo động thái này sẽ dẫn đến Thế chiến III.
Trong khi các xe tăng do Mỹ sản xuất dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ukraine vào cuối năm nay hoặc thậm chí vào năm 2024, thì lô hàng đầu tiên gồm 60 xe chiến đấu Bradley được phê duyệt trước đó đã lên đường, Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ xác nhận hôm 30/1.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng nhắc lại lập trường của Washington hồi đầu tháng này rằng Kiev được tự do lựa chọn các mục tiêu của riêng mình, bao gồm cả Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014.
Điện Kremlin khẳng định bất kỳ mối đe dọa nào đối với lãnh thổ Nga, bao gồm cả Crimea và các vùng lãnh thổ đã bỏ phiếu gia nhập Nga vào tháng 9, sẽ dẫn đến việc Moscow sử dụng "vũ khí mạnh hơn". Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin hồi đầu tháng cảnh báo về một "thảm kịch toàn cầu" nếu các quốc gia phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí mà Kiev có thể sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.
Người dân Mỹ nói gì?
Theo một cuộc thăm dò mới của Pew Research, ngày càng nhiều người Mỹ tin rằng nước này đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine, hơn 1/4 nói rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang quá hào phóng.
Được công bố hôm 31/1, cuộc thăm dò cho thấy 26% người Mỹ nói rằng Washington đang viện trợ quá nhiều, so với mức 7% vào tháng 3/2022.
Báo cáo ghi nhận một sự thay đổi đáng kể kể từ tháng 3/2022, khi 42% nói với Pew rằng họ cảm thấy Mỹ làm chưa đủ cho Ukraine.
Nhiều tháng kể từ cuộc thăm dò đầu tiên, Mỹ đã tăng cường hỗ trợ đáng kể cho Ukraine. Washington liên tục cung cấp các hệ thống phòng không, xe bọc thép và hơn 1 triệu quả đạn pháo cho Kiev, thậm chí Tổng thống Biden còn cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí "chừng nào cần thiết".
Nga tuyên bố giành được lợi thế lớn
Hôm 31/1, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng ngôi làng Blahodatne, cách Bakhmut khoảng 5km về phía bắc, đã nằm trong tầm kiểm soát của Moscow.
Hiện chính phủ Ukraine chưa đưa ra phản hồi.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra 3 ngày sau khi người đứng đầu Tập đoàn Wagner của Nga cho biết lực lượng lính đánh thuê đã chiếm giữ Blahodatne, tuy nhiên Ukraine cho biết đã đẩy lùi cuộc tấn công của nhóm.
Nếu Moscow giành được Bakhmut, nơi có dân số khoảng 75.000 người trước chiến sự, thì đây sẽ là thành tựu lớn đầu tiên trên chiến trường của Nga kể từ khi nước này kiểm soát các thành phố Severodonetsk và Lysychansk vào tháng 7.
Riêng hôm 31/1, Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga trên một con đường gần Bakhmut, ngăn cản Moscow giành quyền kiểm soát một tuyến đường tiếp tế quan trọng của Ukraine.
Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn lực lượng Ukraine Serhiy Cherevaty cho biết quân đội Nga đã không thể cắt đứt con đường dẫn từ thị trấn Chasiv Yar đến Bakhmut.
"Quân đội Nga không thể cắt đứt con đường được sử dụng để tiếp tế cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Quân đội Ukraine ở Bakhmut được cung cấp mọi thứ cần thiết", ông nói.
Các lực lượng Nga đã đạt được một số tiến bộ trong khu vực trong những tuần gần đây, đáng chú ý là chiếm được thị trấn khai thác muối Soledar ở phía bắc Bakhmut.