Kim cương Nga đang dần mất lấp lánh ở châu Âu trước các quyết định mới nhất của một thành viên Liên minh châu Âu (EU)? “Nổ phát súng” đầu tiên nhắm vào loại hàng đặc biệt đặc biệt đắt đỏ - kim cương Nga, Thủ tướng Bỉ De Croo muốn thế giới ngừng săn lùng và buôn bán "kim cương máu" được cho có liên quan Moscow.
Trong bối cảnh Ukraine đang thúc đẩy việc ngừng nhập khẩu kim cương thô của Nga vì cho rằng, thương mại loại hàng hóa quý hiếm này đang làm giàu cho Alrosa, một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Tuy nhiên, việc chính phủ Bỉ miễn cưỡng cấm nhập khẩu kim cương của Nga, sẽ gây tổn hại cho chính "thủ phủ kim cương Antwerp" - một trung tâm toàn cầu về đá quý của nước này.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng, đòn trừng phạt đối với kim cương sẽ không gây ra thiệt hại tương tự cho nền kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin như lệnh cấm vận đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch. Nhưng người ta cho rằng, "dòng chảy kim cương" của Nga đã trở thành biểu tượng của việc các nước phương Tây đang đặt lợi ích quốc gia của họ lên trên lợi ích của Ukraine.
Phương Tây có thể cấm vận kim cương Nga?
Phương Tây đang làm mọi cách để khiến kinh tế Nga suy yếu, nhưng tại sao vẫn tiếp tục "săn lùng" kim cương từ nước này với giá "cắt cổ".
Tuy nhiên, khó khăn là trước khi cân nhắc một lệnh cấm vận, châu Âu cần phải đảm bảo rằng đá quý sẽ không thể cập bến các thị trường phương Tây thông qua các mạng lưới song song.
Trong khi EU cho rằng, các biện pháp phải đánh vào kẻ mạnh hơn, điều này sẽ không xảy ra đối với kim cương, vì ngay cả trong trường hợp có lệnh cấm vận của phương Tây, đá quý của Nga vẫn sẽ đến các thành phố như Dubai hoặc Mumbai (Ấn Độ), trước khi tràn vào các thị trường Mỹ hoặc châu Âu một cách ẩn danh.
Điều này đảm bảo nguồn thu nhập đáng kể cho người Nga và tạo ra những hậu quả kinh tế được coi là "kịch tính" đặc biệt đối với Bỉ.
Một số người thậm chí còn dự đoán về "sự kết thúc của Antwerp" với tư cách là trung tâm kim cương thế giới, để nhường chỗ cho Dubai, trong trường hợp kim cương Nga bị cấm vận.
Năm 2021, lượng kim cương thô tương đương 1,8 tỷ Euro của Nga đã được chuyển qua Bỉ, tương đương khoảng 1/4 tổng số đá quý nhập khẩu ở Antwerp - nơi có gần 30.000 việc làm phụ thuộc vào ngành công nghiệp kim cương.
Theo ông Hans Merket, nhà nghiên cứu của tổ chức dịch vụ Thông tin hòa bình quốc tế (IPIS NGO) ở Antwerp, có những yếu tố đúng trong lập luận này của Bỉ, nhưng đó cũng là một cách tiếp cận rất thụ động.
Hiện trạng đang trở nên khó duy trì khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, mọi thứ đang bắt đầu thay đổi.
Kể từ tháng 7/2022, việc nhập khẩu kim cương của Nga đã giảm đáng kể, chủ yếu là do nhu cầu của người tiêu dùng và các thương hiệu trang sức lớn không còn muốn mua kim cương của Nga nữa.
Tại sao "đòn của Mỹ không hiệu quả"?
Ở cấp độ chính trị cũng vậy, sự thay đổi đang diễn ra. Tháng 12 năm ngoái, các đại diện của Mỹ, Bỉ và Ủy ban châu Âu (EC) đã gặp nhau để tìm giải pháp phân phối đá quý từ Siberia mà không để các trung tâm như Antwerp bị ảnh hưởng quá lớn.
Họ sẽ gặp lại nhau trong những ngày tới. "Ý tưởng là tìm ra một giải pháp chung", ông Hans Merket cho biết.
Trong nhiều tháng, Mỹ đã áp dụng lệnh cấm vận đối với kim cương của Nga, "nhưng không hiệu quả vì lệnh cấm vận chỉ ảnh hưởng đến kim cương thô, trong khi Mỹ lại là một thị trường dành cho kim cương đã được đánh bóng".
Một số người cũng muốn phân loại đá của Nga là "kim cương máu" (kim cương thô được các phong trào nổi dậy sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự của họ, đặc biệt là các nỗ lực phá hoại hoặc lật đổ các chính phủ hợp pháp) và do đó, thông qua Quy trình Kimberley, trên thực tế cấm nhập khẩu chúng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hans Merket, điều đó gần như là không thể bởi việc này cần có sự đồng thuận giữa 85 quốc gia tạo nên Quy trình Kimberley. Trong khi đó, những nước không muốn áp đặt trừng phạt đối với Nga không chỉ có chính nước này mà cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Đá quý của Nga cũng nằm ngoài định nghĩa hiện tại về "kim cương máu".
"Chúng tôi đã đấu tranh trong nhiều năm để mở rộng các tiêu chí cho định nghĩa này nhưng vô ích…", chuyên gia Hans Merket cho biết.
Việc không thể truy xuất nguồn gốc là một trong những điểm yếu chính của quy trình hiện tại. Quy trình Kimberley chỉ yêu cầu giấy chứng nhận xuất xứ sau lần giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, trung bình, một viên kim cương thường trải qua 15 trung gian khác nhau trước khi đến tay khách hàng. Do đó, một viên kim cương ở CHDC Congo được bán ở Dubai có thể được trộn lẫn với những viên kim cương khác trong một lô duy nhất. Khi đó, nguồn gốc của kim cương sẽ trở nên mơ hồ vì nó được coi là hỗn hợp, giống như 98% số kim cương rời khỏi Dubai.
Những "lỗ hổng" này khiến Quy trình Kimberley không còn được coi là phù hợp. Tuy nhiên, trước bất kỳ lệnh cấm vận hoặc hạn chế nào, phương Tây cần đảm bảo rằng, kim cương Nga sẽ không thể đến thị trường châu Âu và châu Mỹ thông qua các mạng lưới song song.
"Điều này có thể được thực hiện thông qua nghĩa vụ truy xuất nguồn gốc kim cương. Người ta có thể cho rằng các nhà buôn và thợ kim hoàn phương Tây phải đưa ra bằng chứng rằng, những viên kim cương mà họ bán không đến từ Nga", nhà nghiên cứu Hans Merket nhấn mạnh.
Công nghệ giờ đây có thể truy tìm nguồn gốc từng viên kim cương từ mỏ đến khách hàng, thông qua hệ thống chuỗi khối và khắc laser bên trong những viên đá quý. Ông Hans Merket cho biết, kỹ thuật này cung cấp bằng chứng không thể bị làm giả trong mọi giao dịch. Một số công ty đã làm điều đó, ngay cả khi lĩnh vực này luôn rất thận trọng về nó. Nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang làm thay đổi rất nhiều thứ trong thế giới kim cương.
Trớ trêu thay, một trong những công ty đã phát triển hệ thống theo dõi bằng laser này nhiều nhất không ai khác chính là gã khổng lồ Alrosa của Nga, công ty khai thác 27% kim cương trên thế giới.