Tin liên quan
Theo các hãng tin AP và Reuters, Kiev và các đồng minh đang tiến hành các cuộc đàm phán cấp tốc về tên lửa tầm xa mà Ukraine cho rằng cần thiết để ngăn chặn phía Nga phá hủy các thành phố của họ, cùng các loại máy bay quân sự phù hợp để yểm trợ cho các chiến xa bọc thép mà Mỹ và Đức hồi đầu tháng này đã cam kết viện trợ.
Trong bài phát biểu trên kênh video trực tuyến Freedom hôm 28-1, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết những người ủng hộ Ukraine từ phương Tây "hiểu cuộc xung đột đang diễn biến như thế nào".
Một cặp máy bay chiến đấu phản lực Su-25 của Ukraine bay thấp, gần thị trấn Kramatorsk, vùng Donetsk, Ukraine hồi tháng 6-2022. Ukraine cho rằng cần các máy bay phù hợp hơn để yểm trợ các chiến xa hiện đại Mỹ và Đức hứa cung cấp - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ông cũng cho biết một số đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn duy trì thái độ thận trọng đối với việc chuyển giao vũ khí "do lo sợ những thay đổi trong cấu trúc quốc tế".
Trước đó, Nga và Triều Tiên đã cáo buộc phương Tây cố ý kéo dài và đóng vai trò trực tiếp trong cuộc xung đột thông qua việc gửi cho Ukraine những vũ khí ngày càng tinh vi.
Ông Podolyak khẳng định sự cần thiết của việc tiếp tục nhận được viện trợ quân sự mà ông đã đề cập: "Điều này sẽ làm giảm các mối đe dọa an ninh đối với châu Âu, giữ cho cuộc xung đột được khoanh vùng".
Trong tuần lễ vừa qua, Mỹ và Đức đã đồng thuận vào hôm 25-1 về việc gửi cho Ukraine các loại xe tăng tiên tiến do họ sản xuất, cùng các chiến xa bọc thép Bradley và Marder họ đã hứa trước đó.
Điện Kremlin chỉ trích gay gắt động thái này.
Xe tăng Leopard 2 mà Đức hứa cung cấp cho Ukraine - Ảnh: Military Today/CNA
Sự chỉ trích còn đến từ Thủ tướng Hugary Viktor Orban. Cụ thể là hôm 27-1, ông Orban khẳng định rằng các nước phương Tây đang viện trợ quân sự cho Ukriane đã trở thành những bên tham gia tích cực vào cuộc xung đột.
Ông Orban từ chối gửi vũ khí cho Ukraine và tìm cách ngăn chặn các quỹ viện trợ quân sự của LIên minh châu ÂU (EU).