Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay, thỏa thuận đã đạt được trong vòng cuộc đàm phán cấp cao cuối cùng ở Washington do Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan chủ trì hôm 27-1.
Thỏa thuận này được đưa ra ba tháng sau khi Washington áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đơn phương, cấm các công ty Mỹ bán chip và thiết bị sản xuất chip cao cấp cho các công công nghệ Trung Quốc. Chính sách mới của Nhà Trắng nhằm ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng chất bán dẫn tiên tiến cho siêu máy tính cùng các ứng dụng liên quan trí tuệ nhân tạo, vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh.
Nhà Trắng từ chối bình luận nhưng thỏa thuận trên đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm hợp tác với các đồng minh để cản trở tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đàm phán với các nước đồng minh trong hai năm nhưng vấp phải sự phản đối vì họ lo lắng động thái hạn chế xuất khẩu như vậy sẽ hưởng đối hãng công cụ sản xuất chip của những nước này, đặc biệt là ASML (Hà Lan), Tokyo Electron và Nikon Corp. của Nhật Bản.
Applied Materials, Lam Research và KLA, các công ty đang thống trị lĩnh vực công cụ sản xuất chip của Mỹ phàn nàn chính sách kiểm soát xuất khẩu hồi tháng 10 áp đặt các hạn chế đối với những doanh nghiệp này chứ không phải đối với ASML và Tokyo Electron.
Vào thời điểm đó, Thứ trưởng phụ trách An ninh và công nghiệp của Bộ Thương mại Mỹ Alan Estevez nói rằng chính sách hạn chế xuất khẩu công nghệ chip sang Trung Quốc sẽ chứng minh cho các đồng minh thấy Mỹ “có thể tham gia cuộc chơi” và sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn.
Estevez và Tarun Chhabra, Giám đốc cấp cao phụ trách an ninh quốc gia và công nghệ của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đến chuyến thăm Tokyo và The Hague trong tháng gần đây để thuyết phục các đồng minh phối hợp với Mỹ
Các nguồn cho hay, ba nước đã quyết định không công khai chi tiết thỏa thuận này do tính chất nhạy cảm. Tokyo và The Hague cũng lo ngại về việc bị Bắc Kinh coi là đã ủng hộ chính sách của Mỹ nhằm cản trở sự trỗi dậy quân sự và kinh tế của Trung Quốc. Hiện tại, vẫn chưa rõ Hà Lan và Nhật Bản sẽ sử dụng cơ chế nào để áp đặt các hạn chế xuất khẩu với các hãng công cụ sản xuất chip của họ.
Trong tuần này, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng dư luận chú ý đến chính sách hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip nhưng nội dung của cuộc thảo luận của Hà Lan với Nhật Bản và Mỹ “rộng hơn thế”.
Theo đó, Hà Lan có cùng chung quan điểm với những nước lập luận rằng không cho phép chip cao cấp của phương Tây sử dụng ở vũ khí của một số nước. Các nước phương Tây và các đối tác châu Á cần phải duy trì ưu thế dẫn đầu về chip.
Thủ tướng Hà Lan hoàn toàn tin tưởng là có thể đạt được giải pháp với nhiều đối tác mà Hà Lan đang thảo luận.
“Các cuộc đàm phán đang diễn ra và chúng tôi không thông tin về điều này. Đây là một chủ đề nhạy cảm đến mức chính phủ Hà Lan chọn cách trao đổi thận trọng, và điều đó có nghĩa là chúng tôi chỉ cung cấp thông tin một cách rất hạn chế”, Rutte nói.
Bloomberg cho biết, Hà Lan sẽ cấm ASML bán cho Trung Quốc ít nhất một số máy quang khắc chìm, loại thiết bị tiên tiến nhất trong dòng sản phẩm máy quăng khắc chip bằng tia cực tím sâu của công ty. Thiết bị này đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra những con chip cao cấp. Nhật Bản sẽ đặt ra hạn chế xuất khẩu tương tự đối với Nikon.
Thỏa thuận trên là một thắng lợi cho Tổng thống Biden, người đang tìm cách hạn chế các tiến bộ quân sự của Bắc Kinh bằng cách cắt đứt đất nước khỏi các sản phẩm chip cao cấp nhất. Tuy nhiên, giám đốc điều hành của ASML, Peter Wennink cảnh báo rằng thỏa thuận có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Ông dự đoán, Trung Quốc sẽ tự phát triển thành công công nghệ quang khắc thay vì dựa vào nhập khẩu.