Vui buồn chuyện bác sĩ TP.HCM trực tết, có hôm ôm gối khóc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Y bác sĩ gắn liền với nhân viên y tế và việc trực tết là đương nhiên. Trực tết với những niềm vui, nỗi buồn mà không phải người ngoài ngành ai cũng cảm được.
Vui buồn chuyện bác sĩ TP.HCM trực tết, có hôm ôm gối khóc
Trực bệnh viện ngày mùng 1 tết

Sau vài năm đi làm thì với mình trực tết không còn là câu chuyện hy sinh, cống hiến hay gác lại niềm vui riêng nữa. Trực tết trở nên bình thường như nó vốn là vậy, và nghề y vốn là vậy. Cực và vui với đủ thứ chuyện mà chỉ tết mới có.

Bác sĩ chuẩn bị trực tết với hơn chục thùng mì tôm

Cứ độ cuối năm, đến thời điểm nhận thưởng tết với lịch trực tết xong, chị điều dưỡng trưởng ở khoa mình gọi là "má" sẽ ôm nào là bịch lớn bịch nhỏ, thùng to thùng bự lên khoa. Nó gồm mấy phần quà mà bệnh viện và công đoàn chuẩn bị cho nhân viên y tế với cả hơn chục thùng mì tôm tất cả các thể loại: mì nước, mì khô, mì xào mà "má" mua cho đội trực tết.

Thông thường mỗi ca trực sẽ kéo dài 12 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, với trực tết sẽ dài đến 24 tiếng đồng hồ để số người trực ít nhất.

Vậy là phải ăn ở trên khoa 4 bữa hoặc 5 bữa nếu có ăn khuya, mà có ăn khuya là biết đêm đó bệnh “hành” dữ lắm.

Bữa ăn đầu tiên và bữa thứ hai của ngày trực ăn khá sang, vì mọi người xách đồ ăn từ nhà lên để góp cỗ chung.

Nhưng đến bữa ăn thứ 3, thứ 4 của ngày thì mì tôm, xúc xích là lựa chọn duy nhất.

Vì bệnh viện của mình ở TP.HCM, mọi người đều là người xa quê không có người thân đem đồ ăn tiếp tế, và tết nhất thì ở TP.HCM mấy năm trước đây cũng chẳng thể tìm được quán xá nào có bán. Nhiều năm kinh nghiệm thì mì tôm là lựa chọn tốt nhất.

Cảm giác xì xụp mì tôm mà có thêm cây xúc xích hay mấy cọng rau muống giữa ngày tết bên cạnh đồng nghiệp không phải ai cũng được trải nghiệm.

Niềm vui của trực tết

Chưa nói đến chuyện bệnh nhân hay chuyện nghề, trực tết có lẽ vui nhất là được lãnh đạo đến thăm, chúc tết và lì xì đầu năm.

Ai mà trực trúng đêm giao thừa còn được xuống hội trường ăn giao thừa chung với lãnh đạo và các đồng nghiệp, có lẽ cả năm thì chỉ có lúc này các khoa phòng mới đủ mặt như vậy.

Rồi đồng hồ điểm đúng 0 giờ, mọi người khui bánh, khui mứt chúc nhau những câu tưng bừng như người nhà thân thuộc.

Vào dịp tết, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xem nhau như người thân. Những sáng khám bệnh phòng cấp cứu hoặc khám lại những ca xuất viện trong ngày là lúc nhận những lời chúc mừng năm mới của bệnh nhân.

Đặc điểm mình làm khoa nhi nữa thì lời chúc nhận được từ các bé lại càng có ý nghĩa và tạo động lực làm việc vô cùng to lớn. Chỉ cần nhìn các con khỏe mạnh dần và reo vui khi được xuất viện, nhất là trong những ngày tết là thấy bản thân vui vẻ phấn khởi cả năm.

Buồn thì cũng có

Trực tết không phải ít bệnh. Ngoài ở trên khoa trực bệnh phòng thì khoa mình còn "ôm" thêm phòng khám bệnh ngoại trú.

Mà tết nhất các bé lại dễ bị các bệnh đường tiêu hóa và đặc biệt là dị ứng nặng dẫn đến sốc phản vệ. Vậy là 2 bác sĩ trực cứ phải chia nhau vừa lo bệnh ở phòng nội trú, vừa khám bệnh ngoại trú.

Có những đêm trực, bệnh chuyển đến 2 - 3 giờ sáng vẫn chưa được ngủ, vừa đặt lưng xuống nghe tiếng điện thoại reo từ cấp cứu báo nhập bệnh lên mà nằm trong phòng ôm gối rớt nước mắt. Những đêm trực như vậy dần làm sợ tiếng chuông của cái điện thoại bàn vô cùng.

Bên cạnh bệnh nhiều, bệnh chuyển, cái buồn nhất của trực tết chắc là tủi thân. Cảm giác vừa xa nhà vừa phải đi làm dịp tết, nếu nói không khiến tủi thân là dối lòng, nhưng nếu mình không trực thì cũng sẽ có một y bác sĩ nào đó chịu cảnh xa nhà, cảnh tủi thân như mình thôi. Nghỉ vậy rồi thấy nhận một cái lịch trực tết cũng đâu có phải là tin gì quá xấu.

Khoa mình có những bác sĩ còn xung phong trực tết, thậm chí trực luôn 48 giờ để các đồng nghiệp khác, những đồng nghiệp ở xa có được cái tết trọn vẹn bên gia đình.

Những sự “chạnh lòng nhân đôi” của những đồng nghiệp ấy tạo ra những niềm vui nhân mười nhân trăm lần cho những đồng nghiệp khác được ăn tết cùng người thân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật