Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một chính sách mới về châu Phi trong chiến dịch tranh cử năm 2017. Theo chính sách mới này, Pháp sẽ không còn can thiệp mà sẽ là một đối tác chiến lược, phát triển quan hệ trên cơ sở bình đẳng với khu vực. Nhưng đến thời điểm này, ông Macron đã không thực hiện được cam kết của mình.
Đó là nhận định của Tiến sĩ Huriye Yildirim Cinar, đồng Giám đốc viện châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Á Thổ Nhĩ Kỳ (TASAM) ngày 11/1.
Theo Tiến sĩ Cinar, chính quyền của ông Macron đã gặp phải những thất bại lớn ở châu Phi, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố, trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Do đó, các thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi, vốn bị thiệt hại dưới chính sách thực dân và tân thuộc địa của Pháp trong nhiều năm, bắt đầu tỏ thái độ bất mãn bằng các cuộc biểu tình chống Pháp và đảo chính.
Ví dụ, việc Đại tá Paul-Henri Sandaogo Damiba thất bại trong chống khủng bố và các chính sách không thành công được cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính diễn ra ở Burkina Faso vào tháng 9/2022. Điều này có thể được hiểu là một dấu hiệu cho thấy uy tín của Pháp ở châu Phi đang giảm sút.
Kể từ đầu thời Chính quyền Donald Trump, Mỹ bắt đầu ít quan tâm hơn đến châu Phi trong khi Pháp đang ngày càng mất dần ảnh hưởng ở châu lục này. Ngược lại, Nga, vốn bị đẩy vào thế bị cô lập trên trường quốc tế sau cuộc xung đột với Ukraine, nhiều khả năng sẽ có vai trò mạnh mẽ hơn trong khu vực.
Những nỗ lực của công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga, có thể được coi là yếu tố giúp gia tăng đáng kể ảnh hưởng của Moskva ở châu Phi, dù nước này không chính thức thừa nhận.
Một số quốc gia châu Phi có vấn đề an ninh sâu sắc như khủng bố, xung đột nội bộ và đảo chính, nhưng không có đủ nguồn lực để chống lại những thách thức này, chấp nhận đề nghị của Wagner để đảm bảo sự ổn định để đổi lấy nhượng bộ kinh tế.
Theo thời gian, sự hợp tác này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự mà còn mở rộng sang lĩnh vực chính trị khi người Nga bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn chính trị. Kết quả là chúng ta được chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Pháp và Nga ở châu Phi.
Sau quá trình phi thực dân hóa châu Phi, Pháp rất coi trọng chiến lược quân sự trong các chính sách thuộc địa mới đối với châu Phi. Họ đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự với hơn 40 quốc gia châu Phi.
Những thỏa thuận này, bao gồm xây dựng hòa bình và ổn định, chống cướp biển và buôn lậu, ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và chống khủng bố, tạo cơ sở hợp pháp cho sự hiện diện của quân đội Pháp ở châu Phi.
Người châu Phi nghi ngờ về sự ủng hộ của Pháp như Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara. Ảnh: AFP
Kết quả là, Pháp có căn cứ quân sự ở các vị trí chiến lược khác nhau trên lục địa đen này. Căn cứ ở Djibouti (cơ sở quân sự lớn nhất ở nước ngoài) và các căn cứ ở Bờ Biển Ngà được sử dụng cho các chiến dịch nêu trên. Các căn cứ ở Senegal và Gabon cung cấp hỗ trợ an ninh cho các quốc gia chủ nhà và các quốc gia láng giềng trong các hoạt động như chống khủng bố, cướp biển và ngăn chặn di cư bất hợp pháp.
Pháp cũng có các căn cứ hải quân trên đảo Reunion và Mayotte. Hơn nữa, quân đội Pháp được triển khai ở nhiều quốc gia khác nhau trong khuôn khổ như "Nhiệm vụ Corymbe" và "Chiến dịch Barkhane".
Pháp đã thực hiện hơn 60 cuộc can thiệp quân sự ở châu Phi kể từ năm 1960. Sự hiện diện quân sự của Pháp ở châu Phi lên tới khoảng 8.700 nhân viên vào năm 2019, một nửa trong số đó là các đơn vị quốc phòng và lực lượng đặc biệt.
Tuy nhiên, sau khi rút quân khỏi Mali và Cộng hòa Trung Phi vào năm 2022, số lượng quân đội Pháp trong khu vực đã giảm đáng kể.
Trái ngược với suy đoán của nhiều chuyên gia, những cuộc rút quân này không nên được hiểu là Pháp từ bỏ sự hiện diện quân sự ở châu Phi. Pháp hiện đang tìm kiếm một cấu trúc quân sự mới sẽ cho phép sự hiện diện hiệu quả hơn với ít nhân lực hơn.
Trong những tháng gần đây, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sebastien Lecornu đã đến thăm nhiều quốc gia châu Phi với những đề xuất mới.
Được biết, Pháp đang thảo luận về một chính sách an ninh mới với Anh. Với chính sách an ninh mới này, nhiều khả năng Pháp cũng sẽ chia sẻ nhiều nhiệm vụ và quyền hạn hơn với các đối tác châu Âu trong vấn đề an ninh châu Phi.
Ngoài Nga, Pháp, còn có một cường quốc khác có ưu thế lớn trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế ở châu Phi là Trung Quốc.
Trong những ngày đầu Trung Quốc hiện diện ở lục địa này, các quốc gia châu Phi khá hài lòng khi hợp tác với đối tác mới trên, vì Bắc Kinh không tiếp cận họ với nhiều áp đặt khác nhau như dân chủ và nhân quyền, đồng thời cung cấp nguồn tài chính một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, theo thời gian, quan hệ với Trung Quốc bắt đầu bị đặt dấu hỏi khi các nước châu Phi gặp bất lợi trong cả “ngoại giao bẫy nợ” lẫn các thỏa thuận đầu tư.
Mặt khác, trong bối cảnh Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Trump chuyển trọng tâm từ châu Phi sang châu Á - Thái Bình Dương, cùng lúc, Pháp mất quyền lực ở châu Phi với những thất bại trên các lĩnh vực chính trị, quân sự và văn hóa xã hội.
Những diễn biến này đã tạo lợi thế cho Nga vốn bị đẩy vào thế bị cô lập trên trường quốc tế do xung đột với Ukraine và cần sự hợp tác mới để giành quyền lực trên toàn cầu.
Cung cấp hỗ trợ tư vấn chính trị và quân sự bên cạnh hỗ trợ quân sự thông qua công ty Wagner, Nga đã giành được ảnh hưởng trong một thời gian ngắn trên lục địa.
Do đó, Ukraine và Pháp đang phối hợp để hạn chế ảnh hưởng của Nga trên lục địa này. Bên cạnh đó, Chính quyền Joe Biden ở Mỹ cũng đã bắt đầu thực hiện các bước để quay trở lại châu Phi một cách hiệu quả.
Tổng thống Mỹ Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi vào tháng 12/2022. Ảnh: AP
Tổng thống Biden tuyên bố rằng ông chủ yếu ủng hộ các yêu cầu của châu Phi về việc có đại diện thường trực tại G20 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông cũng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - châu Phi lần thứ hai vào ngày 13-15/12/2022 tại Washington, 8 năm sau hội nghị đầu tiên.
Tại hội nghị cấp cao này, Mỹ cam kết viện trợ 55 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới với sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Tóm lại, Tiến sĩ Cinar kết luận sẽ có nhiều cường quốc cạnh tranh để giành ảnh hưởng ở châu Phi trong những năm tới. Hiện Trung Quốc có lợi thế lớn hơn so với các quốc gia khác ở châu Phi với khối lượng giao dịch thương mại là 255 tỷ USD và dự kiến không có quốc gia nào khác sớm đạt được con số này. Tuy nhiên, cán cân chính trị và quân sự ở châu Phi sẽ bị Nga, Mỹ, Pháp, Anh tìm cách thay đổi.