Như đã đưa tin, công an huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vừa xác minh, làm rõ vụ việc đồ đạc trong gia đình anh Nguyễn Văn Mừng (34 tuổi, ở ấp Mỹ Chánh A, ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) tự bốc cháy gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Nguyên nhân vụ việc được xác định là do có người đốt, nhằm tạo thông tin hiếu kỳ để đăng tải trên mạng, mục đích nhận được sự ủng hộ vật chất từ người khác.
Tự châm lửa đốt đồ đạc để nhận tiền ủng hộ
Theo đó, khoảng 13h ngày 27/11/2022, chị Nguyễn Thị Phượng (bà con với gia đình anh Mừng) phát hiện phía sau nhà anh này có nhiều khói bốc lên nên tri hô và cùng gia đình, người dân gần đó đến dập lửa. Hậu quả một phần vách lá nhà bếp bị cháy hoàn toàn.
Cùng ngày, gia đình cho hay đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cháy trong nhà không rõ nguyên nhân, bằng chứng là video do người nhà tự quay. Liên tiếp các ngày sau đó, các thành viên trong nhà cung cấp thông tin xảy ra gần 100 vụ cháy các vật dụng sinh hoạt, những đồ vật trên đều tự nhiên bốc cháy, không có tác nhân gây cháy nào khác.
Qua làm việc với cơ quan công an, trừ vụ cháy đầu tiên, người thân trong gia đình anh Mừng thừa nhận hầu hết các vụ cháy khác đều do anh Nguyễn Văn Mừng, bà Nguyễn Thị Đẹp (mẹ anh Mừng) và Đặng Thùy Nhân (vợ anh Mừng) lén lút đốt rồi tri hô cho người dân cùng phát hiện, cho rằng các vật dụng tự nhiên bốc cháy. Sau đó, gia đình đã nhận được ủng hộ 6.050.000 đồng và nhiều vật dụng thiết yếu khác.
Sự việc khiến dư luận hết sức bất bình, độc giả Dân trí cho rằng, "Sau thông tin ban đầu được đăng tải, tôi đã hết sức nghi ngờ vì không thể nào tự nhiên đồ đạc tự bốc cháy được. Bây giờ thì cháy nhà mới lòi mặt chuột rồi nhé, thật đáng xấu hổ, chỉ vì muốn được hưởng vài đồng bạc lẻ mà gia đình nhà ông này làm chuyện kinh thiên động địa, mất biết bao công sức điều tra của cơ quan chức năng. Đề nghị cơ quan chức năng phải phạt cho thật nặng với hành vi ăn không nói có này".
"Đây là một hành vi mang tính trục lợi hết sức xấu xa và gây ra nhiều hệ lụy về trật tự xã hội. Rất mong cơ quan công an xử lý thật nặng để làm gương cho người khác".
Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Xuyến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, được biết công an huyện Phụng Hiệp đang củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý hành vi trên; tuy nhiên dựa trên thông tin đã có, anh Mừng và gia đình có thể đối diện 2 tội danh: Đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng và Báo tin giả, sai sự thật tới cơ quan chức năng.
Báo tin giả, sai sự thật bị xử lý thế nào?
Luật sư Xuyến cho biết, việc cung cấp thông tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan thẩm quyền là hành vi vi phạm Pháp Luật. hành vi này gây ra rất nhiều tác hại, không chỉ làm mất thời gian, công sức điều tra của cơ quan chức năng mà còn khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự địa phương.
Theo quy định của Pháp Luật, hành vi báo tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể, theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Trường hợp báo cháy giả, báo tin sự cố, tai nạn giả mức phạt sẽ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Ngoài ra, người báo tin giả, sai sự thật còn có thể phải bồi thường nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định thiệt hại do hành vi này gây ra. Trong trường hợp báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi phạm tội khác thì sẽ bị xử lý Hình Sự tương ứng.
Chế tài với hành vi tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội
Việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm Pháp Luật. hành vi này tưởng chừng như vô hại, không ảnh hưởng đến ai hoặc do ý thức chủ quan không cần quan tâm việc mình làm sẽ gây hậu quả như thế nào.
Việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng sẽ gây kích động dư luận, gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác từ những tin đồn không được kiểm chứng.
Luật sư Xuyến cho biết, tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc Hình Sự. Điều này đã được quy định rất rõ tại Bộ luật Hình Sự và các văn bản pháp quy.
Về trách nhiệm hành chính
Nếu hành vi tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm Hình Sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định các mức xử phạt tương ứng đối với từng đối tượng, từng nhóm hành vi, cụ thể:
- hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm Pháp Luật đối với hành vi vi phạm (quy định tại Điểm a, Khoản 3 và Điểm a, Khoản 5 Điều 100).
- hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm Pháp Luật do thực hiện hành vi vi phạm (quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 101).
Chế tài Hình Sự
Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của Pháp Luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình Sự.
Người phạm tội sẽ bị xử phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Xuyến khuyến cáo, việc chia sẻ, đăng tải, thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi công dân. Tuy nhiên, khi hoạt động trên không gian mạng mỗi công dân phải có trách nhiệm về thông tin mình đăng tải, cũng như tỉnh táo khi tiếp nhận, chia sẻ các thông tin để hạn chế thấp nhất những vi phạm có thể mắc phải.