Như các nhà phân tích nhận định, quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện đang căng thẳng đến giới hạn cuối cùng. Washington đã cố gắng hết sức để cô lập Moskva cả về kinh tế và chính trị, tất cả các phương tiện gây áp lực đều được sử dụng.
Ví dụ, Mỹ đã cố gắng ngăn cản Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Ngoài ra Washington còn buộc đối tác của mình tránh xa Nga bằng cách không cho tiếp xúc với các nhà ngoại giao của nước này.
“Nước Mỹ với tư cách là nhà lãnh đạo của NATO đang chiến đấu với Nga bằng tất cả sức mạnh của mình. Sẽ không quá lời khi nói rằng quan hệ giữa hai quốc gia đã đạt đến mức tương tự như chiến tranh Lạnh".
"Theo phong cách của người Mỹ: tất cả mọi quốc gia, tổ chức hay cá nhân muốn hợp tác với họ đều phải chọn một bên trong cuộc xung đột, không được phép giữ quan điểm trung lập”, bài báo viết.
Tờ Sohu chắc chắn rằng Mỹ đã cố gắng thực hiện chiến lược như vậy trong cuộc họp gần đây tại Liên hợp quốc.
Một điểm cần chỉ ra là Mỹ đã tổ chức một loạt các cuộc đàm phán với Serbia. Được biết, cuộc gặp gỡ đã có kết quả tích cực và phái đoàn Washington cảm thấy hài lòng.
Tuy nhiên phía Serbia cũng đã nói chuyện với đại diện của Nga và ký kết thỏa thuận tham vấn giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Tờ Sohu cho biết, khi điều này được tiết lộ, Đại sứ Mỹ tại Serbia - ông Christopher Hill đã có phản ứng.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, Washington và Belgrade đã tổ chức các cuộc đàm phán thành công, nhưng sau đó, Serbia lại ký ngay một thỏa thuận với Nga, đây là điều không nên để xảy ra.
Ông Hill khẳng định rằng các nhà chức trách Serbia có nghĩa vụ tiết lộ cho Nhà Trắng tất cả chi tiết của thỏa thuận này. Đồng thời, cuộc đối thoại giữa Moskva và Belgrade cũng khiến các chính trị gia châu Âu không hài lòng.
"Rõ ràng không chỉ Mỹ ngạc nhiên trước tin tức này, mà cả Liên minh châu Âu. Một số quan chức EU cho rằng hành vi như vậy của Serbia có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng”, ấn phẩm tiếng Trung viết.
Theo tờ Sohu, phương Tây thực sự rơi vào tình trạng sững sờ vì họ luôn chắc chắn Nga sẽ không tìm thấy sự hỗ trợ ở châu Âu, và giờ đây mọi chuyện bỗng khác đi. Mỹ và EU từ lâu đã gây sức ép lên chính phủ Serbia nên họ tin Belgrade sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moskva bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc.
“Một số nhà phân tích tin rằng lý do khiến Mỹ và Liên minh châu Âu phản ứng có thể liên quan đến việc Serbia từ chối tuân thủ kế hoạch của phương Tây nhằm cô lập Nga và Ngoại trưởng Sergei Lavrov", tờ Sohu kết luận.