Bà Bùi Thị Mến, ngụ xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre), cho biết hai vợ chồng bà vừa di dời nhà ra khỏi vùng sạt lở được khoảng 1 tháng trước, nhưng bây giờ lại tiếp tục lo ngay ngáy khi sạt lở đang ngày càng lấn sâu vào phía nhà.
"10 năm qua, tôi đã phải dời nhà ba lần vì sạt lở. Mỗi lần di dời là phải chạy vạy vay mượn đủ đường để cất nhà. Lần này cũng đã hết đất để di dời rồi, nếu sóng tiếp tục đánh vào nữa chắc chỉ còn nước đi ở đậu" - bà Mến nói.
Trước đây, hai vợ chồng bà Mến có hơn 1 mẫu đất giồng giáp biển để trồng màu. Diện tích đất thu hẹp dần do bị xâm thực và hiện nay chỉ còn đủ đất cất căn nhà để ở.
Từ công việc trồng màu ban đầu, hai vợ chồng bà chuyển qua đi làm thuê làm mướn sống qua ngày vì bị mất đất canh tác.
Đây là tình trạng chung của hàng chục hộ dân sống gần bờ biển đoạn qua xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Khổng Minh Tặng cho biết khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận) bị sạt lở nhiều năm nay. Hằng năm xâm thực khiến bờ biển bị xói lở mất khoảng 100 - 150m đất.
"Trong khoảng 10 năm qua có 21ha đất màu của người dân bị mất hoàn toàn do xâm thực. Do kinh phí không có nên chính quyền xã Bảo Thuận chủ yếu vận động người dân tự làm kè bảo vệ tài sản" - ông Tặng nói.
Ông Nguyễn Văn Điền, giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho biết bờ biển khu vực huyện Ba Tri dài khoảng 12km, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực.
"Qua thống kê sơ bộ có ba điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 5km. Hiện còn khoảng gần 4km bờ biển bị sạt lở chưa được đầu tư kè chống sạt lở. Chúng tôi đã kiến nghị trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 100 tỉ đồng để đầu tư làm kè tạm thời, bảo vệ nhà cửa và tài sản của người dân" - ông Điền nói.