Tỉnh Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong bối cảnh việc tiêu thụ các mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn, giá cả giảm mạnh làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa, Sở Công Thương đề xuất, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực nông nghiệp của tỉnh và Kế hoạch 3003/KH-UB của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu nông sản có chất lượng cao theo hướng tổ chức sản xuất các mô hình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng giảm chi phí, giá thành để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu..., đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh Bến Tre khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao tỷ trọng nông sản chế biến, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản. Ngành chức năng tỉnh tăng cường thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thông qua các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp phân phối..., tham gia các hội chợ, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng và quảng bá thương hiệu trên môi trường trực tuyến, thúc đẩy bán hàng qua mạng thông qua các sàn thương mại điện tử: Voso, Portmart, Tiki, Shopee, Sendo…
Bến Tre hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU...; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới (Amazon, Alibaba…) để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tỉnh tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm nông sản thông qua các hợp tác xã; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sản phẩm nông thủy sản của tỉnh.
Mặt khác, tỉnh phối hợp,quan hệ chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để hỗ trợ, tìm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực nói chung và các sản phẩm từ dừa nói riêng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.
Riêng việc tiêu thụ dừa và các sản phẩm từ dừa, ông Nguyễn Văn Bé Sáu thông tin, đến nay Bộ Công Thương đã có văn bản gửi hệ thống chợ đầu mối, doanh nghiệp phân phối lớn, các sàn thương mại điện tử, hợp tác xã và Liên hiệp hợp tác xã thương mại để thông tin các đơn vị có nhu cầu mua dừa và các sản phẩm dừa của tỉnh liên hệ với Sở Công Thương để kết nối tiêu thụ với các đơn vị cung cấp trong tỉnh.
Sở Công Thương sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời gian tới để xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản nói chung, dừa nói riêng và đẩy mạnh xuất khẩu; thực hiện các chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nâng cao giá trị sản phẩm từ dừa, hạ giá thành sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bến Tre phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt khoảng 10 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như các sản phẩm từ dừa, thủy hải sản, nông sản và nông sản chế biến..., thị trường xuất khẩu tập trung vào thị trường châu Mỹ, các nước liên minh châu Âu, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước khu vực châu Đại Dương...
Trong đó, đối với thị trường châu Mỹ và các nước liên minh châu Âu, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các nhóm mặt hàng sản phẩm từ dừa, thủy hải sản, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ…
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp về khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu có chính sách hỗ trợ..., đặc biệt là phát triển sản xuất tạo ra nguyên liệu bảo đảm chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, cụ thể như: xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả,thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, an toàn thực phẩm và tăng cường bảo quản sau thu hoạch; phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác, tiêu thụ; gắn chăn nuôi với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị..../