Đất lặng lẽ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong thẳm sâu trái tim đập cùng vũ trụ/Từng nhịp thời gian quỷ quyệt hiền từ...
Đất lặng lẽ
Minh họa: Nguyễn Tường

NGÀY

Trên bản đồ, không có địa danh ấy. Gió tha hồ thổi những cơn cuồng dại qua cả một vùng rộng lớn. Từ làng, lối dẫn vào gò Mả lem nhem gạch và đá vụn xám xịt. Mưa có thể làm nước sông dâng tràn lên gò và cuốn đi những bông hồng héo khô ai đó đã đặt lên những nấm mồ. Ban ngày, nắng thiêu đốt cả người và súc vật, cỏ cũng khốn khổ lắm mới chòi lên được vài búp non.

Ở đó hai năm mưa thuận gió hòa, rồi hai năm lụt lội hạn hán. Trong cõi hỗn mang, thế là hòa.

Tôi thường chạy nhông dưới gốc những cây khế ngọt vô chủ. Những quả khế mọng lúc lỉu trên cành. Chim bay đến mổ, ngấy quá đành bỏ dở mà bay đi. Thỉnh thoảng một con sâu khế rơi bộp vào vai áo. Tôi đưa ngón tay nhón con sâu dúi xuống cỏ kỳ đến khi con sâu nát bét. Có thể là mày chưa chết. Linh hồn mày có thể chui xuống đất rồi lại chui lên, hả sâu?

Trong làng có một người con gái. Dân làng bảo nàng giống như những bông hồng nở lặng lẽ trên đất gò Mả.

Tháng năm nối nhau qua như những trò đùa của lũ trẻ.

Người con gái ấy bây giờ chắc nàng hạnh phúc.

TRONG LÀNG

Địa danh ấy là một làng chài ven đô. Tên là làng Ngò, nằm sát con đường quân sự chạy về cửa Thuận. Trong làng lèo tèo vài chục nóc nhà lợp tôn, hai tòa nhà cao tầng sứt sẹo và một lớp học mái thủng lỗ chỗ. Đứng trong cửa lớp học vẹo vọ ấy nhìn ra, có thể ngắm kỹ càng những con thuyền đi qua dòng sông phía sau làng.

Dạo đó tôi mới mười bốn tuổi,

Lý do tôi biết làng Ngò là do công chuyện làm ăn của cha tôi, một thiếu tá thông tin nghỉ hưu ngay sau khi giải phóng. Hết đánh Pháp rồi đến đánh Mỹ, cha tôi về quê với chiếc ba lô chứa đầy huân huy chương, với tiêu chuẩn mua hàng phiếu C.

Cha tôi nhờ có phiếu C, mua được một thùng Napoleon, khuân về bán cho một đám cưới xài sang trong phố, được một món tiền khá.

Vốn ấy hùn với hai ông bạn hưu mở một tổ hợp sản xuất nước mắm. Không biết tổ hợp ấy làm ăn lời lãi ra làm sao, nhưng ngày nào tôi cũng thấy cha tôi xách về một cặp lồng đầy lòng trắng trứng gà. Lòng đỏ hình như để khử độ nồng của mắm.

Tuần hai ba lần tôi phải chở một can mười lít mắm trên cái xe đạp cà tàng mang cho bà Dinh bán hàng khô ở đầu làng. Kể cũng lạ, bao nhiêu nước mắm ngon lành dưới cửa Thuận đưa lên, từ Lăng Cô đưa về, bà Dinh đều lắc, cứ nhất nhất lấy “nước mắm của ông thiếu tá cách mạng” cất.

Nước mắm do cha tôi “tổ hợp” có cái mùi thật khó ngửi, cứ khẳn cả một góc. Khi tôi rót sang can của bà Dinh, cứ phải nín thở quay mặt đi chỗ khác.

Bà Dinh thủng thẳng: Nước mắm mà không có mùi, dìm chó, chó không chết. Tôi ngoác miệng cười, lấy làm đắc ý lắm khi thấy người dân làng xách chai ra mua. Họ thưởng thức “ông thiếu tá cách mạng” là chính chứ họ thích gì cái thứ nước mắm cá chết đó, mẹ tôi thì thào bảo.

Nhưng thâm tâm tôi cũng khoái cha mình lắm. Hóa ra cha tôi không chỉ biết đánh nhau cả đời như mẹ tôi cằn nhằn. Tuy vậy, mỗi lần đi đưa nước mắm, tôi cắm đầu đạp vù vù, chỉ sợ có đứa bạn nào nom thấy thì khốn.

Thường ra mua nước mắm có một chị khá xinh đẹp, khoảng mười tám, mười chín gì đó. Lúc nào chị ấy cũng đội cái nón lá có quai nhung màu đen to tướng che kín gương mặt, chỉ còn hở cái sống mũi cao và đôi mắt đen láy sâu thẳm như màn đêm.

Tên chị là Niệm. Chị Niệm thường cầm hai chai có vạch chia lít. Một chai đổ rượu, một chai đổ nước mắm. Chị đến lặng lẽ, đi cũng lặng lẽ, không bỏ nón cũng không gạt mồ hôi ròng ròng trên mặt.

Lúc chị đến mọi người có ý nhường chị mua trước, nhưng không ai xởi lởi hỏi han gì. Đám thanh niên trải chiếu uống rượu với lạc bên quán bà Dinh thậm chí còn im bặt, ai cũng nhìn chị như bị hút hồn nhưng chẳng ai tỏ ra thân thiện với chị.

Chỉ có bà Dinh nhỏ nhẹ dăm ba câu.

“Rượu tốt đó con”

“Dạ!”

“Còn tiền thừa hôm trước”

“Dạ!”

“Mấy bữa này ông ấy có khỏe không?”

“Dạ khoẻ!”.

Tôi ngọ nguậy trên chiếc xe đạp ngoài cửa, đợi chị đi qua thì ghếch chân khều:

- Cho em xem mặt.

Chị kéo cái quai nón đen xuống dưới cằm nhìn tôi cười:

- Em ngộ thật.

Rồi chị cúi đầu đi.

Lúc đó gió nổi ghê quá. Mấy chiếc thuyền neo dưới bến va vào nhau như gõ mõ. Chị mặc bộ lụa màu vàng nhạt, chân xỏ đôi guốc gỗ mỏng vẹt. Hai chân đi cứ ríu vào nhau. Tôi ngồi ngẩn mặt nhìn chị khom người luồn qua những gốc khế. Mấy sợi tóc vương trên bờ vai mềm mại. Gió thế kia sâu rơi phải biết.

Bà Dinh chạy ra kéo tôi vào nhà.

“Con mang tiền về cho cha. Khéo rơi mất. Bà mà có cháu gái, thế nào cũng gả cho mày”.

“Cháu ghét con gái đặc. Toàn lũ dở hơi hoi nồng”.

Tôi đỏ mặt cãi.

“Ở làng Ngò này, con gái đều khéo và đảm. Đứa nào cũng có người đặt trầu cau từ mười lăm, mười sáu tuổi”.

“Chị Niệm có chồng rồi hả bà?”. Tôi ngẩn ngơ hỏi.

“Đâu đã ai lấy”.

Bà Dinh nhìn tôi rồi lẩm bẩm.

“Cái con bé đó cũng kỳ lạ. Đàn ông ai cũng dễ phải lòng nó. Nhưng rồi ai cũng bỏ mặc nó...”.

Tôi chạy ra vườn, ngồi sững. Những vồng nắng từ trên cao đổ xuống như thác làm đám mồng gà trĩu xuống thắm đỏ. Tôi bó gối ngồi rất lâu. Dưới kia sông lặng lẽ chảy. Sông tải nắng về biển. Sông ơi, làm người có khó không sông?

Vài bữa một lần, tôi bỏ xe chạy ra bờ cát. Buổi chiều, bến làng Ngò thường đón cá từ phá Tam Giang đưa lên. Lũ trẻ con tất bật chạy theo người lớn. Trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, bẳn gắt.

Bên sườn gò Mả, sát mép nước, lão Năm Cà thường ngồi chõm chệ thả mồi câu. Tuy ngồi câu nhưng khi hứng lên là lão gào tướng cả một khúc sông.

Hò ơi hò. Ngày mai lặng nước. Con đò lặng lẽ muôn trùng xa khơi. Con cá... ầy... con cá đó ơi. Tình người thăm thẳm biết nơi nào dừng...

Lão Năm Cà vốc thính tung xuống nước. Bụi thính mù mịt, thơm sặc. Tôi ngồi chống tay lên cằm xem chiếc phao câu cứ lập lờ trên mặt nước. Chừng lâu lắm, thính xuống đặc sông mới thấy phao chìm nghỉm. Lão Năm Cà giật câu. Một chú cá rô óng vàng giãy đành đạch trên mặt cỏ. Tôi nhảy tới chộp vội và ném vào cái thùng tôn gỉ.

Tiếng lão Năm Cà lẩm bẩm:

- Rô trên miệt xuống đón lóng nước mới đây.

Tôi quay lại:

- Ông nói gì vậy, ông Năm?

- Ừa - lão lẩm bẩm trong cuống họng - Cá dưới khúc sông ngửi mùi tanh máu mới xúm tới, chứ thính đâu ăn thua...

Tôi vẫn thắc mắc:

- Vậy là sao, ông Năm?

Lão Năm Cà thủng thẳng:

- Chuyện đời đó con. Kiếp người dài lâu mà cũng chỉ tích tắc là rồi.

Hơ hơ hơ...

Bỗng dưng lão bật cười váng cả mặt sông.

- Chỉ có cha con lão Trọc là biết rõ điều ấy hơn ai hết, cậu trai ạ.

Tôi ngồi im đợi lão Năm châm mồi lửa vào điếu thuốc rê. Lão bặp miệng hít một hơi dài rồi ngửa mặt ra nhả khói đen lên lưng lửng tầng trời. Lúc đó mặt trời bắt đầu đỏ ối và nặng đến nỗi như sắp tuột xuống đáy biển phía Cửa Thuận. Mặt tôi rực lên. Cả mặt lão Năm Cà cũng rực lên.

- Hơ hơ ... - Lão chỉ tay vào mặt tôi - Coi cái mặt của cậu kìa, đỏ y như cái đêm đó.

Quỷ tha ma bắt lão đi. Đêm đó là cái đêm nào mới được chứ, cần câu lại oằn xuống kìa, sao lão không giật đi.

Một con cá hanh cong mình trong ánh nắng muộn. Nó nhảy lộp chộp, cố nhoai người tìm về nước. Không xong rồi con ơi. Mày tiêu rồi. Lão Năm cười ha hả. Tôi gỡ chiếc móc câu khỏi miệng cá nhỏ đang hớp hớp thật tội nghiệp.

- Ông Năm ơi, con về đây, sắp tối rồi.

Lão Năm Cà móc tiếp một mồi giun, thả xuống nước.

- Ở lại về chòi lão nướng cá ăn chơi.

Tôi le lưỡi:

- Cha con tưởng con tai nạn xe đó.

- Mắc dịch! Ăn nói phải giữ miệng kẻo trời phạt. Ở lại, lát nữa lão nhờ người đi qua nhắn giùm. Chừng mười giờ đêm trăng lên, đạp xe về càng khoẻ.

Hai ông cháu lúi húi nướng cá trên vỉa than rực hồng. Tôi ngồi gỡ cá, chấm muối tiêu ăn kèm với mấy lát khế mỏng. Lão Năm Cà ngửa cổ tu ừng ực thứ rượu cất từ mấy cái nồi mẻ nhà bà Dinh. Rồi lão cắn sật một miếng ớt. Ớt cay sặc cả chòi.

Tôi hỏi:

- Sao ông không cất nhà ở?

Lão dòm tôi rồi cắn sập một miếng ớt.

- Lão thích ở chòi. Mát và tiện đêm đi kéo vó tôm. Tôm ở khúc sông này nở đặc đó, con.

- Rượu nóng như lửa.

- Rượu tình, rượu nghĩa đó, con à.

- Con ngửi mùi rượu ông thở ra, muốn nôn.

- Tổ cha mi. Có nghe thấy tiếng rên không? Có thấy ai chống đò đi ngang qua không? Nước lặng thế này là sắp lụt lớn đó. Cá bống mủ lại kéo về đặc sông cho coi.

Tôi kéo tay áo lão:

- Có ai rên đâu mà ông dọa con, ông dọa lần sau con không ở lại với ông nữa.

Lão Năm Cà bỗng tái mặt, nhìn ra khoảng sông trước mặt.

Thuyền Tư Nam vừa đi qua. Tư Nam...! Phải bà đó không?

Lão bắc loa tay lên gọi hổn hển trong hơi rượu. Mặt sông loáng bạc, óc ách cá và tôm quẫy. Tịnh không một bóng thuyền.

À mà con đâu biết Tư Nam. Thứ người như bà ấy, thiên đàng không có chỗ, quỷ sứ cũng lắc đầu. Bà ấy chỉ còn cách đi lênh đênh trên nước mà thôi. Thật tội. Để lão kể cho mà nghe...

Năm đó...

Diệm Nhu đổ. Tình hình cách mạng có những thay đổi. Lão còn trẻ lắm. Lão đào hầm ngay dưới chòi này. Trong hầm có ít tài liệu về cách mạng, một khẩu súng trường gỉ nòng với hơn hai bao đạn, một con dao găm chuôi gỗ, mẻ một miếng ở đầu cán.

Con dao đó là của anh Bảy, bí thư huyện uỷ tặng lại cho lão trước khi hy sinh. Tư Nam là vợ lão. Cô ấy đẹp nức tiếng cả vùng mấy xã ven phá. Vậy mà lại thuận làm vợ của lão. Hai vợ chồng chỉ có một chiếc thuyền gỗ, hàng ngày đi chở cát, xúc cát thuê. Lão làm cơ sở cho đằng mình, không dám cho vợ biết. Đàn bà mà, lỡ đâu...

Tư Nam đẹp lắm. Nhưng mãi không sinh cho lão một mụn con.

Chao ôi, cậu còn nhỏ, cậu đâu biết đối mặt với súng đạn nó như thế nào. Thôi, quên đi. Cố quên đi. Dòng sông kia phù sa đắp đổi bao ngày tháng rồi. Vậy mà lão nhìn hạt cát nào cũng thấy dính máu...

Lão Năm Cà ôm mặt, gục xuống. Tôi nhìn xuống mặt sông. Sông hiền từ êm dịu quá. Cả đất cũng lặng lẽ dịu dàng. Mùi hoa hồng khô trên gò Mả thoảng tới, một mùi thơm âm thầm khiêm nhường, như toả ra từ những linh hồn nằm sâu dưới đất.

Giọng lão Năm Cà như từ đất chui lên, nặng nề và khô khốc.

...Hôm đó, lão đang cạo hến dưới sông thì nghe tin Tư Nam bị bắt. Rụng rời, lão đẩy thuyền về bến. Cô ấy làm sao bị bắt? Buôn bán chụp giật không.

Cách mạng không. Vậy mà lính của thằng Quân Trọc lôi về đồn. Cái đồn đó ngày trước ở mé chợ Mai đó con. Thằng đại uý Quân nhà ở Kim Long, trước nhà có hai cột trụ hình sư tử ngậm ngọc.

Dòng dõi gia thế. Thời Pháp hắn tham gia phong trào hướng đạo sinh, rồi chỉ điểm cho Pháp bắt mấy sinh viên in truyền đơn cho Việt minh. Hắn ra nước ngoài một thời gian rồi trở về vùng này với cái lon đại uý. Vợ hắn nắm ba khách sạn cho Mỹ thuê trên phố.

Nhưng nghe đâu vợ chồng hắn trục trặc, ít khi hắn về nhà. Mấy thằng con trai thỉnh thoảng ngồi xe cho tài xế chở xuống đồn thăm ba chúng. Không biết lũ đó có biết cha mình là một tay ác ôn không? Hắn đã giết nhiều người của mình, ngông nghênh triệt hạ nhiều cơ sở cách mạng.

Mà hôm đó trời mưa quá. Nước mưa tràn cả vào mặt. Mặc kệ, lão cứ bước đi. Trời xuống tối, mịt mù. Lão nhằm phía cột đèn gần đầu chợ, tay lăm lăm khúc dao bổ củi. Thằng Trọc kia, tao, mày hằn thù gì nhau thì mày bắt tao đây này, cớ gì mày lại bắt vợ tao. Lão vừa đi vừa gào, ngực muốn vỡ tung. Chợt có người kéo tay áo lão.

- Về đi anh Năm. Lá có vết, về mà dọn.

Lão nhìn qua màn mưa, hoá ra là bà Dinh. Mặt lão đổ tái chàm. Lá có vết? Vậy bà Dinh biết? Mà như vậy thì không phải chỉ có mình bà ấy? Nắp hầm bí mật, lão đã rải lá cẩn thận, chỉ nửa đêm khi cần, lão mới bật nắp hầm. Lộ rồi sao?

Sau này lão mới biết lão bị lộ từ lâu rồi. Nhưng Thằng Trọc mê Tư Nam. Nó chờ thời cơ để tóm Tư Nam. Nó đem cô ấy vào đồn, đóng cửa lại và giơ con dao găm mẻ ở gần chuôi ra dọa sẽ cắt cổ bêu đầu lão ở cổng chợ. Ồ, Tư Nam cô ta không biết giá như cứ để thằng ác ôn đó cắt cổ chồng mình... Cô ta đã xin tha mạng cho chồng và đổi lại, thật khốn nạn, chịu làm vợ hắn một đêm... Hoặc là lão bị bêu đầu, hoặc là cô ta cắn lưỡi chết ngay sau đó! Nhưng sự thể lại xảy ra theo một cách khác.

Này cậ‌ּu nh‌ּỏ, cậu đừng bao giờ tin ở miệng lưỡi đàn bà, nhất là đàn bà xinh đẹp dịu hiền. Lũ chúng nó là quỷ cả đấy. Mà cũng có thể không phải quỷ, vì chúng đẹp như thiên thần vậy. Đã đẹp thì không thể là quỷ, phải không cậu? Ờ nhưng mà lão nói nhảm thôi. Cậu cứ yêu đi. Năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Người ta không cần chờ đủ tuổi để mà yêu đâu. Lúc sức mạnh cường tráng nhất thì tình yêu cứ bỏ ta mà đi. Chẳng ai tính trước được điều gì...

Cái đận vợ lão đẻ con, trời cứ đỏ đọc không có lấy một giọt mưa. Lão cũng đang thời kỳ án binh bất động. Thằng Trọc mê vợ lão thật, nên đã không hề ra tay với lão. Mà kể cũng lạ, thời gian đó không có một cơ sở nào bị hắn khui, không có bắt bớ chém giết.

Mồ tổ nó. Hôm con bé ra đời, chính tay lão bê mớ rau đi chôn. Lão không đau đớn, nhưng bụng cứ quặn lại. Lão vạch quần đái một bãi lên núm rau nhúm nhó đỏ lòm. máu huyết tạo nên nhúm rau đó là của thằng Trọc... Cậu vẫn nghe đấy chứ? Sự đời như vậy đấy! Cứ yêu đi cậu ạ.

Hai tháng sau con bé mất tích. Tư Nam chống thuyền dọc sông để tìm con. Hình như lần đó họ có gặp nhau...

Tôi lăn ra đất, áp tai xuống mặt đất nồng nàn. Trong ánh sáng của lân tinh hắt lên từ dưới mặt sông, bóng lão Năm Cà chập chờn khắc vào đêm. Lửa than đã tàn. Mùi xương cá cháy khét. Chỉ lát nữa thôi, cả nhúm xương đó cũng tan thành tro bụi. Còn mày thì ở đâu, hở cá?

Khoan, chuyện còn chưa hết. Ăn nốt lườn cá này rồi lão kể tiếp cho mà nghe. Chà rượu bà Dinh cất thật không đâu bằng. Con Niệm thỉnh thoảng đem ra cho lão một vò. Cha nó bây giờ sống lẳng lặng cù mì như con sâu đất. Giải phóng được 5 năm thì thằng đại uý Trọc dẫn đứa con gái về làng Ngò, có trình giấy đã cải tạo tốt cho địa phương. Hình như hắn có lập một công gì đó với cách mạng, nên cái án t‌ử hìn‌h đã được xóa. Ờ lão kể lộn xộn quá. Hà hà, rượu ngấm vào người đến cay đắng. Mãi sau này, giải phóng rồi lão mới biết Tư Nam cũng là giao liên của đằng mình. Còn cái năm đó, Tết Mậu Thân, cô ta đã phạm trọng tội với cách mạng: Cứu thằng Trọc thoát khỏi cái án tử. Cô ta chống sào chở thằng ác ôn đó chạy lên mạn ngược. Lão làm gì được? Lão làm gì được, hả?

Khi thằng Trọc dẫn đứa con gái về, lão đâu có nhận ra. Mắt lão vì rượu mà mờ đỏ. Thằng cha kéo tay con gái quỳ thụp xuống đất trước mặt lão, xin lão che chở và xin được ở lại làng. Lão không hỏi gì về gia đình vợ con hắn. Lão nhường mảnh đất ông bà để lại cho cha con hắn cất nhà ở. Lão ra đây ở mát hơn. Chà, con bé giống mẹ như lột. Như loài hoa dại mọc lên từ những nấm mồ... Quỷ tha ma bắt bà ấy đi...

Kìa, trăng lên rồi đó. Trăng đẹp quá, phải không? Hồi sau tổng tấn công Tết Mậu Thân, trăng không lên nổi, cứ đỏ ngầu như máu. Cái lớp học đằng kia chất đầy xác người. Ta có, nó có, lẫn lộn chồng chất lên nhau. Bộ đội du kích mình hy sinh, phía mình khi rút lui cố tìm cách đưa xác về cứ. Nhưng đưa không hết, đành để gom chung với lính quốc gia và dân. Khi sư sãi làm lễ cầu siêu cho những linh hồn được thoát xác, ở trên sông, chúng tôi đã hát quốc ca. Lão chèo thuyền đi tìm Tư Nam, nhưng chỉ tìm thấy con thuyền và mấy bộ quần áo xếp gọn gàng trên đó và một món tóc của bà ấy để lại... Tóc bà ấy mượt như nhung...

Bây giờ, những mồ mả lô nhô ngoài kia không tên không tuổi, lũ con nít đi học, trộm hoa vườn nhà đem ra đó cắm lung tung, không biết đâu ta đâu nó. Thôi, lẫn lộn với đất cát cả rồi. Cùng nằm cả đó, nghe gió hát và cùng uống nước ở nguồn sông...

Cậu về được rồi đó. Trăng đẹp thế này. Lát nữa thế nào con Niệm cũng ra bờ sông nhấc mấy vó te lão đặt. Tổ cha mấy thằng con trai trong làng. Chúng cứ đứng xa xa mà ngắm con bé chứ tịnh không có lấy một thằng nào dám đặt lên miệng con bé một nụ hôn. Con bé cứ như bị lạc ở thế giới này vậy.

À, nước mắm ông thiếu tá mình cất được lắm. Sở dĩ có mùi khẳn là vì cá ở sông này là lũ cá quỷ. Ông thiếu tá cũng được lắm. Sống trên đời này, chúng ta chân đạp đất đầu đội trời, sá gì phải không con?

ĐÊM

“Chị Niệm ơi, ai đặt tên cho chị?”

“Cha chị, là tên ác ôn đó. Cha yêu chị và mẹ lắm. Nhưng cha với mẹ là kẻ thù của nhau. Mẹ bao giờ cũng thuộc về bác Năm”.

“Chị cởi dây buộc tóc ra đi, cho em ngắm mái tóc của chị”.

“Có con sâu trên tóc, phải không? Nhưng chị với chúng là bạn đấy. Chị hay đặt một con sâu lên tóc thế này này. Đấy, giống như cái trâm cài đầu”.

“Em mà có tiền, sẽ tặng chị cả hộp trang sức”.

“...”

“Chị quay mặt lại đây. Tối quá, em không nhìn thấy gì cả”.

“Tối thế này, đứng gần không nhìn rõ được nhau đâu. Để chị bắt một con đom đóm làm đèn nhé”.

“Chiều nào em cũng thấy chị mang hoa hồng ra gò Mả. Bác Tư Năm nằm ở đâu?”.

“Mẹ nằm dưới sông với lũ cá. Hôm nọ chị nằm mơ thấy mẹ hiện về bảo: Niệm ơi, con có hạnh phúc không? Đêm đó chị chạy ra sông, nhấc vó được rất nhiều tôm trứng. Lúc lên bờ thấy anh Việt đứng chắn ngang lối đi, nhìn chị ghê lắm. Chị bảo: Tránh ra cho tôi đi. Thế là anh ấy tránh sang một bên. Sau này em yêu ai, nếu người ta bảo thế, em đừng làm như anh Việt...”.

Trong bóng tối, muỗi vo vo bay xung quanh. Những tàu lá dừa đập cánh xoàn xoạt. Thỉnh thoảng, một quả cau thối rụng xuống đất, dưới cơn gió nhẹ và chẳng để lại tiếng động nào đáng kể.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật