Đi bụi cuối năm

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phần buồn nẫu ruột vì sang năm bị ở lại lớp, phần vì uất ức trận đòn “dã man” của cha, tôi chán nản, muốn đi đâu cho khuất mắt gia đình, bạn bè cho rồi. Chiều hôm đó, tôi trốn khỏi nhà...
Đi bụi cuối năm
Làm hùng hục để cuối năm đi ngắm quê hương

Mười lăm mười sáu tuổi, cái thằng tôi vẫn còn lông bông mê bắt dế, thả diều, chạy nhảy ngoài đồng hơn là ngồi trong lớp nhồi nhét kiến thức. 

Vào trường chưa được bao lâu, tôi đã nổi tiếng với những trò tinh nghịch, quậy phá thần sầu. Nhiều lần, cô chủ nhiệm gởi giấy mời phụ huynh tôi đều “ém” hết, cho đến khi nhận được kết quả học kỳ “out” liền mấy môn, tôi mới tá hỏa. Đó là cuối năm lớp 10...

Cái tuổi tâm sinh lý có nhiều biến đổi thì các em hay bắt chước, nổi loạn, bốc đồng (Ảnh minh họa)

 

Tâm sự của học sinh đi bụi

Lần đó, tôi và bốn thằng đực rựa khác đi thi lại môn anh văn. Đọc đề xong, lũ tôi biết nuốt không trôi, đứa nào mặt cũng ngu đục, bí lù, ngồi nhăn nhó cắn bút. Căn phòng gỗ trống hoác, cuối lớp có hai tấm ván bị bung đinh hở một lỗ to tổ bố.

Ông giám thị già lụ khụ gác thi đeo cặp kính lão dầy như hai đít chai đảo mấy vòng lấy lệ rồi lẹt phẹt lên văn phòng ngồi đốt thuốc, lúc thì nhẩn nha ra hành lang ngó trời dòm mây.

Cơ hội hiếm có, lũ con gái đứng thập thò hồi lâu bên ngoài, giờ tranh thủ bò qua lỗ “chó chui” ném lia lịa tài liệu. Tôi chụp nhét một ít trong túi áo, mặt lấm lét như kẻ ăn vụng. Tay tôi cứ thò thụt vụng về với mớ tài liệu nên không tránh khỏi cái nhìn dò xét của ông giám thị.

Lần thứ nhất ông e hèm nhắc nhở. Lần thứ hai moi được tài liệu tôi giấu dưới bài thi, ông nhíu mày, gõ chóc lên đầu tôi cảnh cáo. Lần cuối thấy tôi vẫn ngoan cố, ông vét sạch mớ bài giải tôi viên thành cục nhét trong túi áo ném thẳng vào sọt rác rồi lập biên bản, đuổi tôi khỏi phòng thi.

Tôi hoang mang, buồn, chui vào tiệm net “ngồi đồng” luyện game suốt mấy tiếng đồng hồ không dám rúc đầu về.

Cha tôi biết chuyện đùng đùng nổi giận, ông tới túm cổ tôi như con nhái oắt. “Đồ hư đốn, cút về” - ông gầm lên như hổ, mắt long lên sòng sọc, cây roi mây trong tay ông vụt quất lạnh lùng khiến tôi tối tăm mặt mày, da thịt tứa máu.

Phần buồn nẫu ruột vì sang năm bị ở lại lớp, phần vì uất ức trận đòn “dã man” của cha, tôi chán nản, muốn đi đâu cho khuất mắt gia đình, bạn bè cho rồi. Chiều hôm đó, tôi trốn khỏi nhà, đón xe buýt đi hết tuyến này đến tuyến khác, rồi lại thả bộ, trong đầu rỗng tuếch không nghĩ được điều gì khác.

Khi người đã mệt rã rời và không thể bước được nữa, tôi mới biết mình đã bị lạc khá xa, trong lòng bắt đầu lo sợ. Trời lành lạnh, cái đói càng lúc càng dày vò bao tử, con đường trước mắt tôi trở nên rối rắm. Chưa bao giờ tôi biết thành phố lại có nhiều ngóc ngách đến thế.

Đêm xuống, tôi lang thang, vất vưởng, bạ đâu ngủ đó như mấy thằng cô hồn. Người ta nhìn tôi bằng con mắt lúc nào cũng đề phòng, soi mói. Năm ngày trôi qua thật nặng nề, tôi nhớ nhà quá! Sợ đêm tối cô đơn, sợ sa chân vào cạm bẫy bên ngoài, trong lòng thấy hối hận nhưng không còn một xu để về.

Tôi lếch thếch, hôi hám như đứa trẻ ăn mày. Bụng réo ùng ục mỗi khi ngang qua mấy tiệm ăn. Cái áo mỏng tang mặc trên người tôi như mảnh vải treo trên mắc áo. Thân hình còm nhom liêu xiêu theo từng cơn gió. Tôi tủi thân ngồi thu lu ở trạm xe buýt buồn rớt nước mắt. Cũng may có người đàn bà tốt bụng đi qua, thấy tôi sụt sịt, bộ dạng gầy gò, đói rách thì hỏi chuyện. Sau đó, bà mua cho tôi gói xôi và dúi cho năm chục ngàn.

Tôi đón xe về trong nỗi lo thấp thỏm của cha, giọt nước mắt buồn đau của mẹ và sự bồn chồn của lũ bạn. Sau lần đó tôi tởn tới già, chẳng bao giờ dám nghĩ tới chuyện bỏ đi đâu, học hành không dám chểnh mảng. Cha tôi cũng bớt đi những cơn giận bốc lửa mỗi khi tôi mắc lỗi.

Cạm bẫy

Trời nhá nhem, Sài Gòn bất chợt đổ mưa. Nó ngồi thẩn thờ trên ghế đá dầm mưa như con điên. Cảm giác trống trải, tuyệt vọng xâm chiếm tâm trí nó. Chùm dây điện vắt thòng rỏ từng giọt nước tong tong xuống thân hình gầy gò bết nhoẹt nước mưa.

Dưới ánh đèn vàng vọt, đôi môi nó tím tái lập cập đánh bò cạp. Gương mặt xanh xao lộ vẻ mệt mỏi. Mấy ngày qua nó không thiết ăn uống, mặt mày ủ dột như đưa đám. Đã hai tháng, đứa con trong bụng nó phá bỏ không thành nay càng có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ. Nếu phá lần nữa, bác sĩ bảo tính mạng người mẹ sẽ bị đe doạ.

Còn sinh con ở cái tuổi mười lăm, nó không biết làm gì để nuôi đứa trẻ. Nó nghĩ kỹ rồi, nó liều một lần nữa thử xem sao chứ thân nó còn chụp giật từng miếng ăn thì không thể cưu mang thêm ai nữa. Nó không muốn đứa trẻ sinh ra cũng cù bất cù bơ như nó. Hồi đó, nếu cha nó không chết trong một lần “vã” thuốc, mẹ nó không ngồi rục trong tù vì buôn hàng trắng thì có lẽ nó cũng có một gia đình bình yên chứ chẳng phải lang bạt theo bọn bụi đời sống chui nhủi bằng nghề móc túi.

Bây giờ, nó cũng chẳng phải khổ sở vì ôm cái thai hoang của thằng ma cô nào đó nổi cơn “làm bậy” trong một đêm nó co ro một mình ở góc chợ...

Có lần, nó thấy tận mắt thằng bạn của nó bị ông to béo dần cho một trận te tua  trước sự hả hê của nhiều người như tất yếu cái sai phải bị trừng phạt bởi hắn chôm cái bóp tiền của ông. Ông này lôi thằng nhỏ xềnh xệch lên công an phường dù hắn lạy lục, xin xỏ, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng...

Nó biết cái nghề ăn cắp thì nhục! Có lúc nó bị người ta bắt được đánh cho bầm mắt vì tội “chỉa” quần áo, có khi nó “cầm nhầm” giỏ xách bị hành khách bạt tai chảy máu miệng, nổ đom đóm con mắt... Vậy nên cả năm trời dành dụm được ít vốn, nó quyết tâm làm lại từ đầu. Cái nghề bán bông tăm ngoáy lỗ tai ở chơ Hoàng Hoa Thám không cho nó có được những túi tiền rủng rỉnh tức thì, bù lại nó tìm được niềm vui thật sự trong công việc lương thiện, đàng hoàng này.

Nó không còn là con nhỏ ma lanh, móc túi bị người ta khinh rẻ như hủi nữa. Tôi hỏi nếu cho em  một mơ ước, em ước gì? Nó nói ngay: em ước được sống đúng với lứa tuổi mười lăm hồn nhiên, có một gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, có bánh sinh nhật, có cặp sách đi học như tụi Nga, Hương cùng xóm và... đừng có bầu. Ước mơ thật bình thường, giản dị nhưng với em mãi mãi vẫn không với tới.

Tôi biết các em ở cái tuổi tâm sinh lý có nhiều biến đổi như em thì hay bắt chước, nổi loạn, bốc đồng. Nếu trót lớn lên trong một gia đình có quá nhiều vết rạn: bố cặp bồ nhí, mẹ có người tình hoặc bố mẹ cùng ngồi tù vì buôn bán ma túy, xì ke, trộm cướp... thì các em dễ ra bên ngoài tìm sự đồng cảm ở bạn bè có cùng tâm trạng.

Một khi nhân cách các em chưa định hình rõ rệt, sức đề kháng chưa đủ mạnh để nói “không” với những cám dỗ, tác động xấu ngoài xã hội, tất yếu lối sống lệch lạc, những lầm lỡ đáng tiếc hoặc tai họa khó lường sẽ xảy đến với các em bất cứ lúc nào.

Tôi mong các bậc cha mẹ đừng “sinh” mà không “dưỡng”, hãy cho các em một gia đình bình yên có sự quan tâm, giáo dục, uốn nắn kịp thời những sai sót; một cuộc sống ổn định về tâm lý để các em vững vàng khi đối diện với những tình huống ngặt nghèo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật