Anh Phạm Quang Hiền sinh năm 1979 tại Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết từng gặp nhiều thất bại khi đầu tư và làm ăn trong hơn 10 năm đầu ra trường. Thời gian này, anh làm giảng viên môn tin học một trường cao đẳng nghề ở tỉnh, còn vợ anh mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Dù dành nhiều thời gian nhưng công việc kinh doanh của gia đình không mấy thuận lợi.
Bước ngoặt của gia đình đến vào năm 2018 khi việc kinh doanh hàng quán thua lỗ, số nợ lên tới gần 200 triệu đồng, buộc anh chị phải sang nhượng cửa hàng và rao bán cả mảnh đất thổ cư 200 mét vuông từng được người quen “vừa bán, vừa cho” năm 2015 với giá 230 triệu đồng (giá anh mua của người quen chỉ 75 triệu đồng). Trong đó, người mua trả trước 160 triệu đồng và 70 triệu đồng sẽ trả sau 1 tháng khi các thủ tục chuyển nhượng hoàn tất.
Ban đầu anh tính rằng sẽ lấy tiền bán đất này để trả hết số nợ của gia đình và trở về quê làm công nhân. Tuy nhiên, trong một lần ngồi uống cà phê, khi tính toán về tỷ suất lợi nhuận của lô đất theo kiểu giá bán/giá mua, tính lãi vay ngân hàng, anh nhận ra chỉ có đầu tư vào đất đai mới có thể giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn. Và nếu lấy tiền bán đất để trả nợ coi như cụt vốn, hết đường làm ăn. Thế là người giảng viên sinh năm 1979 tiếp tục mạo hiểm bước vào con đường mua bán đất đai trong quãng thời gian sau đó.
Anh Hiền chia sẻ, chỉ sau vài ngày bán mảnh đất mua năm 2015, anh tìm mua được mảnh 88 mét vuông mặt tiền đường huyện với giá chỉ 120 triệu đồng. Theo anh, mảnh đất này giá rẻ bởi phần lớn diện tích nằm hoàn toàn trong lộ giới mở đường sau này do chiều sâu chỉ 8m. Anh mua mảnh đất với dự định sẽ mở quán cho chị vợ bán hàng ăn sáng. Sau khi mua đất, anh có thương lượng với nhà hàng xóm phía trong để đổi lấy phần chiều sâu và cắt cho họ 6m mặt đường nhưng không thành.
Cùng với đó, vợ anh cũng quyết định không bán hàng nữa mà xin đi làm công nhân may. Từng trải qua 10 năm buôn bán nhưng không thành nên trước quyết định của vợ anh cũng không phản đối. Không mở được quán ăn, anh buộc phải tính lại kế hoạch vì mảnh đất vừa mua khá xa trường anh dạy cũng như công ty may vợ anh làm việc.
Anh Phạm Quang Hiền cho biết cuộc sống gia đình vui vẻ, đầm ấm hơn từ khi trả hết các khoản nợ
Sau nhiều ngày chạy xe vòng vòng mấy con đường nhựa gần trường của mình, anh đã gặp một người chủ rao bán đất nền phân lô với giá từ 150 đến 170 triệu đồng/100 mét vuông (lô phía trong), những lô mặt đường có giá 300 triệu đồng. Tìm được vị trí đất gần chỗ làm của hai vợ chồng, anh liền rao bán mảnh đất 88 mét vuông mới mua được ít ngày với giá 175 triệu đồng.
Trong thời gian chờ bán đất, anh cũng phải gom tiền để đặt cọc mảnh đất mới. Anh Hiền cho biết khi đi đặt cọc mua đất nền phân lô trong tay chỉ có 9 triệu đồng, nhưng quyết định đăng ký mua liền 2 lô phía trong cùng với giá 299 triệu đồng. Người giảng viên thừa nhận cầm tờ giấy đặt cọc tiền mua đất trên tay mà run bởi lo sợ không xoay đủ tiền để thanh toán thì có thể mất cọc. Điều an ủi với anh là chủ đất cho thời hạn 1,5 tháng mới ra công chứng và thanh toán nốt phần còn lại. Chỉ sau vài ngày đặt cọc mua hai lô đất, anh nhận tin vui khi thửa đất phía trong được nhà bên làm đường bê tông vào đất. Từ thửa đất phía trong cùng, giờ hai thửa đất anh đặt mua trở thành 2 mặt tiền.
Sau hơn chục ngày rao bán mảnh đất 88 mét vuông, cuối cùng anh cũng chốt được giá với người mua là 150 triệu đồng, với giao dịch mua bán đất này anh lãi được 30 triệu đồng. Trong thời gian chờ ngày ra công chứng, anh lại được một người bạn giới thiệu mua mảnh đất có diện tích 600 mét vuông ở xã Tân Chánh, Mỹ Tho, Tiền Giang với giá chỉ 130 triệu đồng. Sau vài lần vào xem và trao đổi với đại diện của chủ đất anh đạt được thỏa thuận về giá chỉ 127,5 triệu đồng. Trong đó, người mua lo toàn bộ thuế phí và kèm 3 điều kiện là cho đặt cọc 12,5 triệu đồng, khi công chứng đưa tiếp 15 triệu và khi ra sổ anh vay ngân hàng sẽ trả nốt 100 triệu đồng còn lại.
Kế hoạch mua mảnh đất 600 mét vuông của anh suýt đổ bể khi hai bên tiến hành thanh toán tiền theo hợp đồng đặt cọc trước đó. Tuy nhiên, người chủ đất thực sự lúc này buộc anh phải thanh toán toàn bộ số tiền chứ không cho trả chậm. Để cho mọi chuyện thuận lợi, anh phải trao đổi bằng việc đưa sổ đỏ miếng đất 88 mét vuông đang chờ ngày công chứng cho người mua để lấy hồ sơ từ chủ đất qua nộp phòng tài nguyên.
Anh thừa nhận những lần mua đất mùa mình đầy ly kỳ
Sau 3 tuần thì anh cũng bán xong miếng đất 88 mét vuông và trả hết tiền cho chủ lô đất 600 mét, còn dư được 40 triệu. Cộng với số tiền còn lại khi bán mảnh đất 200 mét vuông đầu tiên, trong tay anh có 110 triệu đồng và vẫn thiếu 180 triệu đồng để thanh toán cho hai thửa đất phân lô sắp đến ngày đi công chứng. Nhờ sự giới thiệu của người chủ bán đất, anh vay được ngân hàng để thanh toán hết tiền mua 2 mảnh phân lô trong khi nhận về hợp đồng vay nợ 180 triệu đồng với ngân hàng.
Kể lại câu chuyện bán 2 mảnh đất và cũng mua liền 3 mảnh đất khác chỉ trong quãng thời gian vỏn vẹn 2 tháng trong năm 2018, anh Hiền thừa nhận mình có phần may mắn trong mua bán đất đai bởi gặp được những người chủ có tâm, không có ý định lừa đảo gì và cũng có những lúc “đau tim”, sợ ngập trong nợ nần nếu mọi chuyện không thuận lợi.
Anh tiết lộ, 2 thửa đất phân lô đã được anh chuyển nhượng cho một người khác đầu năm 2019 với giá 465 triệu đồng. Mảnh đất 600 mét vuông vẫn còn và đã có người trả anh tới 450 triệu đồng. Ông bố sinh năm 1979 cũng cho biết vì không cân bằng được công việc và sợ ảnh hưởng đến các sinh viên và tập thể giảng viên của nhà trường nên tháng 7 vừa qua anh đã xin nghỉ dạy để ra tự kinh doanh riêng sau khi đã có cho mình một khoản vốn nhất định.
Với những kinh nghiệm mua bán đất đai tích lũy được trong thời gian qua, anh Hiền chia sẻ kinh nghiệm, để mua được đất giá rẻ, những người có ý định mua cần tìm hiểu kỹ về vị trí định mua. Dành thời gian để tìm đúng chủ và đặc biệt hãy đi lại nhiều lần, hỏi những người dân xung quanh xem khu vực này có vướng quy hoạch gì không, tham khảo thông tin với những người bạn của mình trước khi xuống tiền để tránh bị các môi giới, chủ đất lừa mất cọc hay vướng vào những tranh chấp không đáng có khi thực hiện việc chuyển nhượng.