9X và khát khao phát triển sản phẩm làm từ tre, nứa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quyết định khởi nghiệp khi ở tuổi 25, cựu sinh viên khoa Luật (ĐH Luật Hà Nội) khát khao đưa tới tận tay người tiêu dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường, làm từ tre, nứa.
9X và khát khao phát triển sản phẩm làm từ tre, nứa
Sản phẩm làm từ tre, nứa... đang trở thành xu hướng được nhiều người ưa chuộng 

Xem Video: 9X xứ Nghệ khởi nghiệp với 150 triệu 

//

Vài năm trở lại đây, thị trường trong nước cũng như thế giới bắt đầu ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhằm giảm áp lực rác thải. Cùng xu thế đó, nhiều sản phẩm được làm từ thiên nhiên như: ống hút, cốc, bát… được ra mắt.

Từng là sinh viên khoa Luật, trường Đại học Luật , anh Vũ Anh Văn (1995) đến từ vùng đất Tổ Vua Hùng khát khao kinh doanh, đặc biệt là đưa sản phẩm quê hương đến thị trường trong nước, .

Anh chia sẻ, trước đây, bản thân chọn học Luật và muốn trở thành luật sư. Thế nhưng, sau một thời gian học tập, anh nhận ra học luật để làm “bàn đạp”, cơ sở cho hoạt động của mình. Nói về việc chọn tre, nứa để khởi nghiệp, anh Văn chia sẻ: “Khi chọn khởi nghiệp bất kỳ lĩnh vực nào, tôi đều có sự cân nhắc, tính toán đến khả năng thành công; mục tiêu về tài chính cần đạt được”.

Những ngày đầu khởi nghiệp, mọi người không khỏi thắc mắc vì sao lại chọn tre, nứa; thậm chí, mọi người nghĩ anh đang “kinh doanh theo trends” (PV: một trào lưu kinh doanh đang được nhiều người thực hiện). Thế nhưng, theo anh, ý tưởng kinh doanh mặt hàng này đã có từ vài năm trước đây. Chính anh cũng tự tay làm ra những sản phẩm đầu tiên – đó chính là những chiếc lồng chim bằng tre, nứa.

Anh Văn bộc bạch, do bản thân yêu thích kinh doanh, đặc biệt là tình yêu đối với những sản phẩm làm từ thiên nhiên. Bởi nó là những sản phẩm truyền thống của dân tộc, gắn bó với người dân Việt Nam hàng ngàn năm; đồng thời, đây cũng là sản phẩm thân thiện với môi trường, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng nghiêng về những sản phẩm an toàn như thế này.

Hành trình khởi nghiệp nào cũng khó khăn, và bản thân anh cũng không đứng ngoài “vòng xoáy” đó. Anh kể, thời gian đầu khi nung nấu làm mặt hàng này, anh phải lặn lội tìm hiểu, học hỏi ở nhiều địa phương, làng nghề, các cơ sở sản xuất sản phẩm tương tự ở Nghệ An, Sơn La, Thanh Hóa…

Sau đó, anh quyết định mua máy móc, nguyên liệu và tự mày mò sản xuất. Trong quá trình nghiên cứu đó, nhiều lần sản phẩm của anh không đạt yêu cầu; nguyên liệu xử lý không tốt dẫn tới mốc, mọt, không bảo quản lâu.

Thời điểm đó, anh nhận ra rằng mình chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn trong một lĩnh vực mới. Thậm chí, có nhiều nhà sản xuất các sản phẩm này đang triển khai tốt và việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Còn về nhu cầu thị trường, thực tế tại Việt Nam, mặt hàng này vẫn chưa được phổ biến.

Tuy nhiên, “với những động thái tích cực của Chính phủ Việt Nam và các nước trên thế giới về hạn chế và cấm rác thải nhựa nói chung và nhựa dùng một lần nói riêng, thì cơ hội cho chúng tôi là rất lớn. Và điều quan trọng nữa, các sản phẩm này được rao bán online là chủ yếu, do đó quyết định đến cách chọn mô hình vận hành kinh doanh của mình là 100% online (số hóa hoàn toàn)”, anh Văn nhấn mạnh.

Chàng thanh niên 25 tuổi cũng nhấn mạnh, đối với sản phẩm làm từ tre, nứa như: ống hút tre, cốc tre, đồ gia dụng… thì điều mà bản thân anh mong muốn chính là mang đến thị trường những sản phẩm thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ thiên nhiên. Và đặc biệt hơn, nó còn thể hiện tinh thần của người Việt Nam. Dù hoàn cảnh nào, thời nào thì tre vẫn gắn bó khăng khít với cuộc sống, đoàn kết, là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhà sản xuất.

Nhìn thấy giá trị của cây tre, nứa hiện hữu qua những sản phẩm được sản xuất qua bàn tay tài hoa của con người, anh Văn xác định bước đi dài hơi với sản phẩm này. Anh chia sẻ, thời gian đầu, anh tập trung vào mảng phân phối, thương mại hóa bằng cách đem các sản phẩm ống hút, dụng cụ gia đình… từ tre đi quảng bá khắp nơi để tạo thương hiệu trên thị trường. Sau đó, anh sẽ đẩy mạnh hơn vào mảng sản xuất, thậm chí là xuất khẩu đến các thị trường nước ngoài.

Còn về tương lai, anh sẽ nỗ lực áp dụng khoa học , kỹ thuật, dây chuyền máy móc… nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh đối với mặt hàng này. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên. “Tôi đã có kế hoạch cho 30 năm tiếp theo cho sản phẩm làm từ tre, nứa này” anh nói.

Chia sẻ thêm về ngày hội Techfest - sân chơi dành cho các startup trẻ, đam mê với khởi nghiệp và sáng tạo trong kinh doanh, anh Văn cũng mong muốn đưa sản phẩm ống hút, đồ gia dụng gia đình… của mình đến sân chơi này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật