Sau khi các gia đình đã có đơn kêu cứu, đơn khiếu nại nhưng hơn nửa năm (sau khi người thân của họ qua đời) vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
8 gia đình muốn "thỏa thuận dân sự"
Sáng 15-11, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con bà Nguyễn Thị Minh, 1 trong 8 người tử vong trong vụ tai biến từ tháng 5-2017 kể trên) cho biết chị và một số gia đình nạn nhân đã đến trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Hòa Bình, mong gặp được chủ tịch tỉnh để kêu cứu nhưng không gặp được.
Trong số 8 gia đình có người thân qua đời khi đang chạy thận nhân tạo, có 5/8 gia đình đang sống ở các huyện vùng cao, vùng sâu của Hòa Bình. Nghe đến việc khiếu kiện, ra tòa, bồi thường..., họ rất lúng túng và đành cử ra một người trong nhóm làm nhiệm vụ liên lạc với các cơ quan chức năng để kêu cứu.
Theo chị Tuyết, từ khi xảy ra vụ tai biến, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình phúng viếng tại đám tang nạn nhân mức 10 triệu đồng/nạn nhân và gửi khoản "hỗ trợ" 10 triệu đồng/nạn nhân ngay trong ngày xảy ra vụ việc. Hiện bệnh viện muốn "tạm ứng" tiếp 50 triệu đồng/nạn nhân nhưng các gia đình không chấp thuận, do họ không phải làm thuê cho bệnh viện nên không nhận tạm ứng. Các gia đình nạn nhân đã mời luật sư và luôn mong muốn được "thỏa thuận dân sự" với phía bệnh viện.
Trong khi đó, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết họ đang đợi cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn bằng văn bản việc bồi thường cho 8 gia đình nạn nhân và kết luận của cơ quan điều tra. Trường hợp không nhận được hướng dẫn bằng văn bản, bệnh viện sẽ nhờ tòa án giải quyết. "Sẽ có các cá nhân, tổ chức trong và ngoài bệnh viện chịu trách nhiệm theo kết luận của cơ quan điều tra"- đại diện bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết.
Theo luật sư đang hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân, bệnh viện cho rằng khoản 20 triệu đồng đã chi là tiền "hỗ trợ", nếu các gia đình đồng ý bệnh viện "tạm ứng" tiếp mỗi gia đình 50 triệu đồng. Theo luật sư này, bệnh viện phải "đền bù" cho các gia đình, không phải "hỗ trợ" hay ban phát. Chưa kể có sự "trốn tránh trách nhiệm", giám đốc bệnh viện ở thời điểm xảy ra vụ tai biến chạy thận là ông Trương Quý Dương bị cách chức, giờ đang đi du lịch. Còn giám đốc mới, theo một lãnh đạo Sở Y tế Hòa Bình, thì ông ta lại không phải là người gây ra vụ việc.
Giải quyết như thế nào?
Trao đổi với Báo chiều 15-11, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết nếu bệnh viện và các gia đình nạn nhân không thỏa thuận dân sự được, việc đền bù sẽ dựa trên phán quyết của tòa án, nhưng tòa án lại phải dựa vào kết luận của cơ quan điều tra. Theo ông Quang, nếu thực hiện theo trình tự này, thời gian đền bù cho gia đình các nạn nhân sẽ kéo dài, như vậy hai bên rất nên thỏa thuận dân sự.
Điểm vướng mắc nhất dẫn đến thỏa thuận không thành (cho đến thời điểm này) là mức bồi thường. Các gia đình nạn nhân đề nghị mức bồi thường bằng nhau là 250 triệu đồng/người tử vong, nhưng bệnh viện lại đề nghị mức 136-242 triệu đồng tùy theo từng nạn nhân.
Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng việc bệnh viện đã chủ động thỏa thuận mức hỗ trợ, đến phúng viếng tại đám tang nạn nhân là thể hiện thiện chí và việc đề nghị mức bồi thường tùy tình hình từng nạn nhân là phù hợp.
Tuy nhiên rất khó đánh giá mức bồi thường nào phù hợp, khi tai biến làm cho 8 gia đình nạn nhân mất đi người thân, tổn thất tinh thần là rất khó đánh giá. Mức bồi thường 250 triệu đồng/người tử vong do lỗi của bệnh viện cũng không phải là mức bồi thường quá cao, khi so sánh với một số mức đền bù sau tai biến y khoa ở bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh gần đây.