PHÁT HIỆN ĐƯỜNG DÂY QUI MÔ TỪ VỤ CẦM XE MÁY
Từ tài liệu trinh sát thu thập được kết hợp khai thác các đối tượng trộm cắp xe máy trên nhiều địa bàn, cơ quan điều tra CA tỉnh Đồng Nai phát hiện một đường dây tiêu thụ, vận chuyển xe gian quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau. Đường dây tiêu thụ xe gian này không chỉ hoạt động liên tỉnh mà còn vận chuyển, tiêu thụ xuyên quốc gia. Xe máy trộm cắp qua “thị trường ngầm” này được xuất ngoại sang Campuchia bằng những thủ thuật tinh vi, biến hóa của các ông “trùm”.
Qua theo dõi, giữa tháng 7-2009, Công an huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai bắt quả tang Mai Thị Thơm (SN 1980, quê Thanh Hóa; ngụ xã An Hòa, huyện Long Thành, Đồng Nai) đang cầm chiếc xe Air Blade biển số 60X5-3670 tại tiệm cầm đồ Thu Đào ở xã Phước Thiềng, huyện Nhơn Trạch với giấy tờ giả mang tên Nguyễn Thị Hoa. Thơm khai nhận được một người tên “Mập” ở TPHCM, giao 11 chiếc xe tay ga kèm theo giấy tờ để đi cầm tại các tiệm cầm đồ tại Đồng Nai với giá 23 đến 27 triệu đồng một chiếc, Hoa được hưởng hoa hồng mỗi chiếc từ 3-7 triệu đồng. Từ lời khai của Thơm, trinh sát bắt giữ Mai Thị Thu (SN 1966, chị ruột Thơm, ngụ KP2, P.Long Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), Hoàng Văn Đồng (SN 1956, ngụ xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), Lê Minh Dũng (SN 1967, ngụ KP5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TPHCM).
Đây là những đối tượng móc nối với “Mập” để mang xe gian đi tiêu thụ. Điều đó cho thấy “Mập” là đối tượng cầm đầu đường dây trộm cắp và làm giấy tờ giả, có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Sau khi trộm cắp xe gắn máy có giá trị cao như SH, Dyland, Air Blade chúng làm giả giấy tờ rồi đem đi cầm cố với giá dưới 50%, sau đó bỏ luôn không chuộc. Đối với xe giá trị thấp như Wave, Super Dream sau khi trộm cắp, chúng đưa về quận 12, rồi thuê các đối tượng cư ngụ ở Long An, Tây Ninh, An Giang vận chuyển sang Campuchia tiêu thụ. Truy xét, trinh sát phát hiện “Mập” chính là Lê Văn Nam (SN 1962, ngụ phường 7, quận Gò Vấp, tạm trú phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), còn có tên gọi khác là Ngọc hay Sơn. Ngày 7-6-2009, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, bắt khẩn cấp Lê Văn Nam tại xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú.
Đỗ Văn Lợi, Lê Văn Nam
Khám xét nơi ở của Nam, CA thu giữ 39 giấy CMND, 147 giấy đăng ký xe môtô, 36 GPLX hai bánh, 24 giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới, dụng cụ đục số xe và số tiền, vàng trị giá hơn 100 triệu đồng. Nam khai nhận đã bán hàng ngàn bộ giấy tờ cùng biển số xe giả cho nhiều đối tượng để chúng hợp thức hóa xe trộm cắp (giấy CNĐK xe, GPLX, CMND giá 400.000-500.000đồng/tờ; giấy mua bán, giấy cho tặng tài sản có xác nhận của công an phường, xã giá 200.000 đồng/tờ). Số giấy tờ giả này do Nam liên kết với Phạm Tấn Lợi (SN 1960, ngụ Q.Gò Vấp) sản xuất. Nam đưa cho Phạm Tấn Lợi các loại giấy tờ thật để scan vào máy tính làm mẫu, sau đó in ra các giấy CNĐK xe gắn máy, CMND giả. Khám xét tại nơi ở của Phạm Tấn Lợi, CA thu giữ 1 dàn máy tính, máy in màu, máy scan, mực in, mẫu con dấu tròn, chữ ký của phòng PC13, công an một số tỉnh, thành và UBND các quận, huyện, TPHCM cùng nhiều phương tiện khác.
Các đối tượng trong đường dây
Khi Nam bị bắt, đường dây tiêu thụ xe gian, hồ sơ giả chuyển sang đặt hàng cho Nguyễn Xuân Phi (SN 1964, ngụ Q. Bình Tân, TPHCM) và một số đối tượng khác trong mạng lưới. Gần như toàn bộ các đối tượng liên quan tới đường dây của Nam đã bị CA Đồng Nai phối hợp CA các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh bắt giữ. Tính đến tháng 4-2010, có hơn chục đối tượng trong đường dây trộm cắp, làm giấy tờ giả, tiêu thụ xe gian bị bắt là Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1964), Nguyễn Đình Sâm (SN 1979, cùng ngụ Bình Dương), Chu Đình Tú (SN 1991, quê Thanh Hóa), Nguyễn Ánh Dương (SN 1985), Nguyễn Văn Thành (SN 1986), Trần Hữu Hoan (SN 1969), Nguyễn Văn Thắng (SN 1979), Nguyễn Hữu Ánh (SN 1986), Hồ Khánh (SN 1986), Võ Công Tường (SN 1984, cùng quê Nghệ An), Nguyễn Văn Dân (SN 1963, ngụ Đồng Nai), Nguyễn Xuân Phi (SN 1964, ngụ Q. Bình Tân, TPHCM)... CA thu giữ tổng cộng 46 xe gắn máy, 265 giấy tờ giả các loại, 30 ĐTDĐ, tiền và vàng trị giá 185 triệu đồng, mẫu con dấu, chữ ký của một số cơ quan, đơn vị.
Trong số này, một số đối tượng như Trần Hữu Hoan, Nguyễn Đình Sâm, Võ Công Tường giữ vai trò là kẻ trung gian khi mua giấy tờ, biển số giả từ Nguyễn Thanh Nhàn rồi bán lại cho các đối tượng khác có nhu cầu hợp thức hóa hồ sơ để hưởng lợi từ 50.000 – 100.000 đồng/hồ sơ. Tuy nhiên, khi thị trường tiêu thụ xe gian lên cơn sốt (do những người thích chạy xe đắt tiền nhưng ham rẻ tìm mua) thì những đối tượng này lại trở thành người đặt hàng cho bọn “đá xế” đi trộm cắp xe máy. Bọn trộm xe chỉ việc tìm địa bàn ăn hàng rồi gọi điện hẹn địa điểm giao hàng lấy tiền xem như xong. Vì vậy đã hình thành hàng chục đường dây chuyên thu gom xe máy trộm cắp để tiêu thụ, đặc biệt là “xuất khẩu” sang Campuchia. Kéo theo đó là hàng trăm đối tượng chuyên trộm cắp xe máy theo đơn đặt hàng của các đầu nậu khắp 22 tỉnh, thành (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Nam, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Long An, An Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng). Dưới tay đầu nậu là hàng trăm “cửu vạn” chuyên vận chuyển thuê xe gian từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh biên giới để tiêu thụ sang Campuchia, nổi cộm nhất là tại cửa khẩu Mộc Hóa (Long An).
Xe chúng trộm cắp
THỦ THUẬT TRỘM CẮP VÀ BIẾN HÓA ĐỂ TIÊU THỤ XE GIAN
Băng nhóm trộm cắp 8 đối tượng cùng quê Nghệ An do Hoàng Ánh Sáng (SN 1987) cầm đầu, chuyên trộm cắp xe máy tại các nơi tập trung đông người như chợ, điểm ATM, cửa hàng tạp hóa, trung tâm giới thiệu việc làm, quán xá... trên địa bàn Đồng Nai với thủ đoạn giả làm khách rút tiền tại các điểm ATM, khách mua hàng, người đi tìm việc, chúng tổ chức các nhóm “đi săn” từ 2-4 tên có phân công tên cảnh giới, đứa che chắn làm khuất tầm nhìn của người bị hại để đồng bọn bẻ khóa lấy cắp xe máy tẩu thoát. Sáng thiết lập quan hệ làm ăn với kẻ chuyên tiêu thụ xe gian ở Bình Dương là Trần Hữu Hoan (SN 1969, quê ở Nghệ An), hành nghề sửa xe máy ở thị trấn Dĩ An, Bình Dương. Lấy trộm được xe, Sáng gọi điện cho Hoan hẹn địa điểm nào đó ở vùng giáp ranh giữa Bình Dương – TP.Hồ Chí Minh để giao hàng, lấy tiền.
Dụng cụ làm giấy tờ giả
Băng nhóm khác cùng quê Hà Tĩnh do Hoàng Văn Khoa, Hoàng Văn Dương cầm đầu thì chuyên ém quân ăn hàng tại các khu nhà trọ thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Sau khi ăn hàng, chúng gọi điện cho Võ Công Tường. tả đặc điểm xe để ra giá trước rồi mang xe đến điểm hẹn giao xe lấy tiền... Trong khi đó, nhóm của Hồ Khánh, Nguyễn Hữu Ánh không chỉ trộm cắp xe máy trên địa bàn Đồng Nai mà còn móc nối với nhóm trộm xe ở Quảng Nam và Đà Nẵng trộm xe máy tại đây mang về Đồng Nai, Bình Dương bán cho Nguyễn Văn Dân. Nhóm của Nguyễn Ánh Dương, Nguyễn Văn Thành thì tổ chức đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe máy từ Thanh Hóa vào Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh với nhiều đối tượng tham gia. Các tên trong băng nhóm trộm cắp thường tạo cho mình vỏ bọc lịch sự, đi xe đắt tiền để dễ trà trộn vào những nơi đông người. Chúng ăn nghỉ tại các phòng khách, nhà nghỉ hạng sang, thường xuyên la cà tới các quán ăn, quán nhậu nhằm làm quen các đối tượng giang hồ tại địa phương để nắm tình hình và bắt mối mở rộng đường dây hoạt động. Qua khai thác các đối tượng phạm tội bị bắt cho thấy hầu hết chúng đều không có nghề nghiệp ổn định hoặc chây lười lao động, nghiện ma túy.
Hoan, Tường, Sâm sau khi mua sẽ sang tay cho các đầu nậu như Lê Văn Nam, Nguyễn Thanh Nhàn. Từ Nam và Nhàn, xe máy có giá trị được làm giả hồ sơ để giao cho đám chân rết mang đi các tỉnh cầm cố lấy hàng chục triệu đồng rồi bỏ xe. Những xe rẻ tiền hơn như: Wave, Dream, Sirius v.v..., Nam, Nhàn sang tay cho các đối tượng khác tiêu thụ tại Campuchia qua các tỉnh giáp biên giới như: An Giang, Long An, Tây Ninh, số lượng lên đến hàng ngàn chiếc.
Liên quan đến đường dây làm và tiêu thụ hồ sơ giả để hợp thức hóa xe máy trộm cắp còn nhiều nhóm đối tượng khác. Kết thúc giai đoạn 1 chuyên án, ngày 15-4-2010, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát đề nghị truy tố 28 đối tượng là những tên cầm đầu và có vai trò quan trọng trong đường dây của Lê Văn Nam về các hành vi “trộm cắp tài sản”, “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án để truy xét, xử lý những đối tượng còn lại trong đường dây tội phạm quy mô này.