Mới bước chân về làm dâu, Huyền đã được mẹ chồng dặn dò: “Hai đứa chưa có con nhỏ, tiền lương để mẹ giữ hộ. Còn lại bao nhiêu mẹ lập thành sổ tiết kiệm, sau này có vốn sinh con”. Thấy mẹ chồng nói cũng hợp lý nên Huyền ưng thuận. Tuy nhiên, vì số tiền tiêu vặt mẹ chồng đưa hàng tháng không đủ nên thỉnh thoảng, hai vợ chồng lại to tiếng với nhau.
Mỗi lần, vợ chồng Huyền chỉ được mẹ đưa cho khoảng 300 nghìn, kèm theo câu gợi ý: “Hết lại bảo mẹ, chứ cầm nhiều tiền chỉ tổ tiêu hoang”. Nhưng đến lúc cần, Huyền có muốn xin thêm tiền, thể nào mẹ cũng phàn nàn: “Chi tiêu phải biết tính toán chứ”. Dù Huyền đã phân tích lý do tiêu tiền chính đáng nhưng mẹ chồng vẫn không ngớt lời kêu ca. Bực mình vì mẹ chồng “eo hẹp”, Huyền quay sang trách chồng, muốn đề nghị tự tay quản lý tài chính. Khổ nỗi, anh chồng nhà Huyền lại thuộc nhóm “thần tượng mẹ” nên dứt khoát không chiều vợ…
Hiếu còn khổ hơn vì được mẹ chồng nhường cho vai trò “nội tướng”. Hiếu bảo: “Chồng mình vẫn có thói quen đưa lương cho mẹ từ hồi trai trẻ”. Kết hôn xong, Hiếu chịu cảnh dàn xếp của mẹ chồng như sau: lương của chồng Hiếu sẽ do bà giữ, lập một tài khoản tiết kiệm riêng.
Còn lương của Hiếu dành chi tiêu trong nhà. Bình thường không sao, chỉ đến khi nhà có đám giỗ, Hiếu mới “méo mặt”. Lý do là vì mẹ chồng không đưa thêm tiền góp giỗ nhưng lại đề ra thực đơn vượt ngoài tầm kiểm soát của con dâu. “Có lúc bà đưa thêm một vài trăm đi chợ, còn bình thường lương hưu bà giữ tất. Không lẽ mình lại đi đòi tiền mẹ chồng” – Hiếu than thở.
Nhiều lúc, nhà có khách, Hiếu phát ngượng vì mẹ chồng than phiền chuyện phải tự mình đóng tiền điện, nước… cho cả gia đình. Hiếu cho biết thêm: “Mẹ chồng mình cũng chăm chỉ. Nói chung tiết kiệm là để lo cho con cháu nhưng mình thấy gò bó quá”.
Không ít lần, Hiếu đề xuất việc tài chính gia đình với chồng nhưng anh xã cũng “bế tắc” vì nếu không đưa lương cho mẹ giữ; chắc chắn bà sẽ dỗi…
Quản lý chi tiêu trong gia đình
Chị Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Nói chung, con dâu nên thống nhất chi tiêu với mẹ chồng ngay từ đầu. Không quan trọng việc ai sẽ là người giữ tiền trong nhà nhưng con dâu nên thỏa thuận để vấn đề tài chính không làm rạn nứt tình cảm mẹ chồng - nàng dâu”.
Chị Dương cũng cho biết thêm, nguyên nhân mẹ chồng thích giữ tiền chủ yếu xuất phát từ thói quen trước đó hoặc tâm lý lo sợ con dâu tiêu hoang. Nhưng nếu con dâu biết cách thảo luận tiền bạc với mẹ chồng ngay từ đầu, bà sẽ thông cảm cho khó khăn của vợ chồng trẻ.
Dù sao, con dâu cũng nên chia sẻ vấn đề tiền bạc với mẹ chồng. Sự im lặng chỉ khiến con dâu thêm ức chế và khiến mối quan hệ gia đình căng thẳng. Có thể lúc đầu, mẹ chồng sẽ giận nhưng một thời gian sau, mọi chuyện sẽ ổn thỏa hơn.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con dâu cũng nên tham khảo ý kiến mẹ chồng trước những việc chi tiêu trong gia đình. Điều này sẽ khiến bà có tâm lý được tôn trọng và cởi mở hơn. Ngoài ra, con dâu cũng nên học cách chi tiêu tiết kiệm, không chỉ trích bất kỳ thói quen sinh hoạt nào của nhà chồng.
M&B