South China Morning Post ngày 7/11 đưa tin, con gái Lâm Bưu, một trong những khai quốc công thần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhưng sau này trở thành "kẻ phản bội, kẻ cầm đầu tập đoàn phản cách mạng" đã lên tiếng kêu gọi (Bắc Kinh) tôn trọng nhiều hơn các sự thật lịch sử.
Lâm Đậu Đậu còn được biết đến với tên gọi Lâm Lập Hành đã tham gia một buổi tọa đàm của khoảng 100 con cháu các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu Trung Quốc. Tọa đàm tổ chức tại Bắc Kinh 1 ngày sau khi Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp quân chính với hơn 400 tướng lĩnh tại Cổ Điền, Phúc Kiến.
Những người này được gọi là "hạt giống đỏ thế hệ thứ 2" đã tham dự tọa đàm "Hậu duệ của Đông lộ quân Hồng quân công nông binh Trung Quốc" nhân 70 năm kỷ niệm cuộc trường chinh, ngày 11/1 tại khách sạn Vạn Thọ, thủ đô Bắc Kinh.
Theo tờ DW của Đức, hãng AFP đã dẫn lời Lâm Đậu Đậu phát biểu tại hội thảo này kêu gọi: (Bắc Kinh) "cần phải hết sức tôn trọng sự thật lịch sử, nghiên cứu đào sâu và điều chỉnh các sự kiện lịch sử", tuy nhiên bản tin không nhắc tới liệu phát biểu của con gái Lâm Bưu có liên hệ gì với sự kiện "Lâm Bưu bỏ trốn".
Các tài liệu công khai của Trung Quốc cho biết, ngày 13/9/1971, Lâm Bưu cùng vợ là Diệp Quần, con trai Lâm Lập Quả đã lên chuyên cơ cất cánh từ sân bay Sơn Hải để tìm cách trốn khỏi Trung Quốc, nhưng máy bay đã bị rơi tại Mông Cổ và cả 3 người tử vong.
Từng là 1 trong 10 nguyên soái của quân đội Trung Quốc, khai quốc công thần, "nhân vật số 2" chỉ sau Mao Trạch Đông, năm 1973 Lâm Bưu bị khai trừ đảng, năm 1981 bị gọi là trùm tập đoàn phản cách mạng.
Gia đình Lâm Bưu.
Tham gia cuộc gặp mặt các "hạt giống đỏ" lần này còn có La Đông Tiến là con trai La Vinh Hoàn, 1 trong 10 nguyên soái Trung Quốc và Túc Nhung Sinh, con trai Túc Dụ - 1 trong 10 đại tướng đầu tiên của quân đội Trung Quốc.
Con cái các tướng thế hệ đầu của Trung Quốc cũng đã gặp gỡ để kỷ niệm một "trận chiến tàn bạo" ở Chương Châu, Phúc Kiến xảy ra 2 năm sau hội nghị Cổ Điền do Mao Trạch Đông chủ trì. Những "hạt giống đỏ" này đang thúc giục Bắc Kinh xây dựng một đài tưởng niệm ở Chương Châu và một lễ kỷ niệm cấp nhà nước vào tháng 4 năm tới.
South China Morning Post dẫn lời Trương Lập Phàm, một nhà sử học dộc lập tại Bắc Kinh cho biết, cuộc gặp mặt của con cháu tướng soái thế hệ đầu tiên của Trung Quốc là một cách để tầng lớp "hạt giống đỏ" có tiếng nói lớn hơn.
Thế hệ "hạt giống đỏ" thứ 2 cảm thấy cuối cùng họ đã tìm được một người trong số họ đứng lên phụ trách và muốn tiếng nói của họ được giới lãnh đạo lắng nghe, bao gồm sự công nhận chính thức những gì cha ông họ đã làm.
Ông Phàm cũng cho rằng Tập Cận Bình sẽ quan tâm để có được sự hỗ trợ nhiều hơn từ "hạt giống đỏ" thế hệ 2 trong quân đội, nơi ông đang cần củng cố quyền lực. Cánh con cháu tướng soái Trung Quốc cũng cần đến sự giúp đỡ của Tập Cận Bình.