Trong bài điếu văn, Khổng Lệnh Nghi - cô cháu gái nhiều năm chăm sóc Tống Mỹ Linh nói rằng, sau khi qua đời người cô quá cố của mình chỉ để lại số tiền tiết kiệm 120 ngàn đô la Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng số tài sản mà Tống Mỹ Linh sở hữu thực tế lớn hơn con số này gấp nhiều lần...
Thừa hưởng đầu óc kinh doanh nhanh nhạy của cha mình, Tống Mỹ Linh từ khi còn rất trẻ đã hiểu rất rõ mối quan hệ giữa tiền và quyền. Tháng 12/1927, sau khi kết hôn với Tưởng Giới Thạch, Tống Mỹ Linh đảm nhận vai trò bí thư kiêm phiên dịch tiếng Anh cho Tưởng, hoạt động rất tích cực trên chính trường. Sau đó, Tống Mỹ Linh đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng khác với tư cách là phu nhân của Tổng thống. Với chức vụ và địa vị của mình, Tống Mỹ Linh đã có những khoản thu nhập rất lớn.
Vào ngày 26/12/1934, trên “Giang Nam chính báo” có đăng tải thông tin rằng: “Theo tính toán, số tài sản của các nhận vật quan trọng của chính phủ quốc dân thì Tưởng Giới Thạch có khoảng 13 triệu tệ, Tống Mỹ Linh có khoảng 35 triệu tệ...”. Lúc bấy giờ 1 tệ có sức mua tương đương với khoảng 60 nhân dân tệ Trung Quốc ngày nay. Nói cách khác nếu như thông tin được đăng tải trên tờ báo này là chính xác thì tài sản của Tống Mỹ Linh vào thời điểm đó tương đương với khoảng 2,1 tỉ nhân dân tệ hiện nay, gấp đôi so với số tài sản của Đại Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Con số này cũng xuất hiện trong hồi ký của Sài Nguyên Bồi nên được nhiều người cho là chính xác.
Tiếp đó vào 17/10/1939, trong bản báo cáo “Tình hình tiền gửi ngân hàng nước ngoài của các quan chức cao cấp Quốc dân Đảng” do cơ quan đặc vụ Nhật Bản điều tra cho thấy, Tưởng Giới Thạch có 66 triệu tệ (tương đương với 8 triệu đô la Mỹ), Tống Mỹ Linh có 30 triệu tệ (tương đương với 3,7 triệu đô la Mỹ). Nhiều người nói rằng trong bản báo cáo này, số tiền của Tống Mỹ Linh chỉ bằng 1 nửa số tiền ngân hàng của Tưởng Giới Thạch, tuy nhiên con số thực tế có thể rất khác.
Đến tháng 12/1941, cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 lan đến Thái Bình Dương, Nhật Bản xâm chiếm và tiếp quản các ngân hàng nước ngoài tại Thượng Hải. Số tiền gửi tại các ngân hàng này của các quan chức cao cấp Quốc dân Đảng trong đó có Tống Mỹ Linh đã bị quân Nhật tịch thu toàn bộ. Tuy nhiên, con số 309 triệu tệ gửi trong ngân hàng nước ngoài không phải là số tiền duy nhất mà Tống Mỹ Linh có.
Vào năm 1990, căn cứ các tài liệu lịch sử, báo “Nhân dân Nhật báo” của Trung Quốc tiết lộ rằng, trước khi Quốc dân Đảng rút khỏi đại lục, trước sau đã chuyển ra Đài Loan khoảng 27 triệu lạng vàng và 15 triệu tệ. Cũng căn cứ theo “Hồi ức của Lý Tông Nhân” thì lúc bấy giờ quốc khố của Quốc dân Đảng có khoảng 3,9 triệu ounce vàng (1 ounce bằng 31 gram), ngoại hối khoảng 7 triệu đô la Mỹ và số lượng tương đương 70 triệu đô la mỹ nữa. Tổng giá trị số tài sản lúc đó của Quốc dân Đảng quy ra đô la Mỹ vào khoảng 500 triệu.
Đáng nói là, nhiều thông tin khẳng định, chỉ riêng số tài sản của Tống Mỹ Linh đã lên đến 250 triệu đô la Mỹ, tương đương với một nửa tổng giá trị “quốc khố” của Quốc dân Đảng. Nhiều người cho rằng đây chỉ là những tin đồn thổi phồng về số tài sản cá nhân của Tống Mỹ Linh. Bởi lẽ, cá nhân một người như Tống Mỹ Linh, dù có đầu óc kinh doanh tới đâu cũng không thể tích lũy được khối tài sản tương đương với một nửa ngân khố quốc gia được. Tuy vậy, một số người thì cho rằng , không có điều gì là không thể xảy ra trong thời ký nhiễu loạn lúc bấy giờ.
Vào tháng 11/1948, trước nguy cơ thất bại của Quốc dân Đảng trong cuộc nội chiến tại đại lục, Tống Mỹ Linh sang Mỹ cầu cứu song chỉ nhận được sự lạnh nhạt của Tổng thống Mỹ Truman. Lúc bấy giờ, Truman dường như đã mất hết niềm tin và hi vọng với Quốc dân Đảng. Trước những thuộc cấp của mình, Truman thường xuyên gọi Chính phủ Quốc dân Đảng là “tham quan và khốn nạn”, đặc biệt là đối với gia tộc họ Khổng (Khổng Tưởng Hy) và họ Tống (cha con họ Tống).
Kể từ cuộc chiến tranh với Nhật, hai gia tộc Khổng - Tống đã lợi dụng sự viện trợ của Mỹ để thành lập các công ty riêng của mình. Trong thời ký nội chiến, họ nhiều lần xin xỏ Mỹ rồi lại dùng những khoản viện trợ nhiều triệu đô la Mỹ đầu tư vào các công ty của mình. Tới khi Quốc dân Đảng có nguy cơ thất bại, hai gia tộc này lại nhanh chóng tìm cách chuyển số tài sản của mình ra nước ngoài, đặc biệt là tới Mỹ. Những việc làm này đương nhiên khiến Truman cũng như người Mỹ cực kỳ tức giận.
Ba chị em nhà họ Tống (Tốn Mỹ Linh bến trái).
Bản thân Tống Mỹ Linh vào cuối năm 1948, sau khi cầu viện Mỹ thất bại cũng đã nhanh chóng tìm cách xử lý khối tài sản riêng của mình. Tống Mỹ Linh đã chuyển cho cháu là con của chị gái mình là Khổng Lệnh Khản đứng tên toàn bộ số tài sản của mình. Lúc bấy giờ Khổng Lệnh Khản đã mua một căn biệt thự trị giá 1,5 triệu đô la Mỹ bằng số tiền của Tống Mỹ Linh. Căn nhà này sau đó được dùng làm nơi Tống Mỹ Ling định cư tại Mỹ.
Với khối tài sản kếch xù, mặc dù đã chuyển cho các cháu của mình đứng tên, song vào những năm cuối đời Tống Mỹ Linh vẫn sống sung túc với những đặc quyền của một “phu nhân tổng thống”. Trước khi Tưởng Giới Thạch qua đời vào năm 1975, cứ khoảng vài ba tháng, Tưởng lại gửi cho Linh một khoản tiền lớn để “sinh hoạt”. Đến khi con trai Tưởng là Tưởng Kinh Quốc lên nắm quyền, việc gửi tiền cho Tống Mỹ Linh vẫn đều đặn.
Năm 1988, sau khi Tưởng Kinh Quốc qua đời, Tống Mỹ Linh từng có cuộc gặp với Lý Đăng Huy, người kế nghiệm Tưởng. Trong cuộc gặp này, Tống Mỹ Linh đã đưa ra yêu cầu: “Anh biết đấy, khi Tưởng Kinh Quốc còn sống, phủ Tổng thống mỗi tháng vẫn cấp tiền cho tôi. Nay Tưởng Kinh Quốc đã qua đời, không biết các anh còn cấp tiền cho tôi nữa hay không?”. Dù sao Tống Mỹ Linh vẫn được hưởng đãi ngộ với tư cách là “phu nhân tổng thống”, do vậy yêu cầu của Tống Mỹ Linh đương nhiên không khó để Lý Đăng Huy chấp nhận.
Theo báo chí Đài Loan thì kể từ sau khi Tống Mỹ Linh sang Mỹ đinh cư, dường như không còn tài sản nào đứng tên bà nữa. Điều này được cho là chính xác bởi từ sau khi rời Đài Loan, Tống Mỹ Linh sống dựa hoàn toàn vào gia đình chị gái Tống Ái Linh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng số tài sản của Tống Mỹ Linh tích lũy từ trước kia bỗng dưng biến mấy. Người ta nói rằng toàn bộ tài sản của Tống Mỹ Linh đã được chuyển sang cho chị gái và những người cháu vốn đã rất có đầu óc kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, mặc dù đã sang Mỹ, Tống Mỹ Linh vẫn được hưởng mọi đãi ngộ của một phu nhân tổng thống như trước kia. Theo quy định của chính quyền Đài Loan, các phu nhân Tổng thống có quyền có 2 xe và 2 lái xe riêng; nhân viên phụ việc từ 3 đến 4 người; tiền viện phí chữa bệnh trong và ngoài Đài Loan cùng với sự bảo vệ của “Cục Quốc An”. Năm 2003, trước khi Tống Mỹ Linh qua đời, Đài Loan đã phái nhân viên y tế sang tận Mỹ chăm sóc. Mỗi người có mức lương 50 ngàn tệ, thêm cả tiền thưởng. Mỗi năm 6 người chăm sóc cho Tống Mỹ Linh với mức lương thưởng là 5 triệu tệ. Vì vậy, số tiền mà Đài Loan chi trả cho việc chăm sóc Tống Mỹ Linh lến tới khoảng 10 triệu Đại tệ.
Tống Mỹ Linh qua đời vào năm 106 tuổi, là người có tuổi thọ cao nhất trong số 3 chị em họ Tống nổi tiếng. Tuy nhiên, Tống Mỹ Linh cả đời không viết hồi ký, cũng chẳng để lại bất cứ di chúc nào. Trong bài điếu văn, Khổng Lệnh Nghi, cô cháu gái nhiều năm chăm sóc Tống Mỹ Linh nói rằng, sau khi qua đời, người cô quá cố của mình chỉ để lại số tiền tiết kiệm 120 ngàn đô la Mỹ. Tuy nhiên nhiều người tin rằng, số tài sản mà Tống Mỹ Linh sở hữu thực tế lớn hơn con số này gấp nhiều lần.