Những ngày vừa qua, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc đang cùng nhau chia sẻ lời động viên và hỗ trợ cho gia đình chị Võ Thị Nhung (25 tuổi, quê Hà Tĩnh), có con trai 9 tháng tuổi qua đời hồi tháng 11.
Chị Nhung cho biết chị là du học sinh, cùng chồng sinh sống tại thành phố Hwaseong (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) và sinh con tại đây. Con trai của vợ chồng chị Nhung chào đời ngày 11/3/2022. Lúc chị sinh con, chồng phát hiện mắc bệnh ở lưng nên phải đi mổ, nghỉ việc ở công ty vì không đi làm được. Vì con trai rất ngoan nên có đi gửi trẻ ở nhà trẻ gần nhà để chị đi học và đi làm kiếm tiền nuôi con. Đây là điều khiến chị Nhung hối hận nhất khi đã không gửi con về Việt Nam cho ông bà mà quyết định cho đi trẻ tại Hàn Quốc.
“Tôi hiện đang là du học sinh tại Hàn Quốc, vợ chồng có sinh con ở bên này. Vừa rồi chồng tôi có đau ốm nên phải nghỉ hẳn công ty luôn không đi làm được. Nên tôi có suy nghĩ muốn gửi con ở bên này để con sống với mình luôn, cứ nghĩ như vậy con sẽ có tình thương của bố mẹ nhiều hơn. Sau đó đã quyết định gửi bé ở nhà trẻ gần nhà. Gửi bé từ ngày 3/11, sau 2 ngày thì có cho nghỉ sau đó đi tiếp. Tổng cộng là 5 ngày, đến ngày 10/11 thì bé mất” - chị Nhung đau đớn chia sẻ.
Vì sự tắc trách của bảo mẫu ở nhà giữ trẻ, một em bé mới 9 tháng tuổi qua đời trong đau xót
Chị Nhung cho biết hai vợ chồng kết hôn từ năm 2018, trước đây chị cũng từng là giáo viên mầm non. Khi quyết định gửi con đi nhà trẻ, chị Nhung có tìm hiểu về nhà trẻ thì được nhiều người nói rất tốt. Sau đó khi đến nói chuyện với cô giáo thì liên tục được thúc giục nên gửi sớm khi bé còn nhỏ chưa biết lạ thì sẽ dễ trông hơn.
“Ngày hôm đó tôi đang đi làm thêm, chồng bệnh nên gửi con sang nhà trẻ. Đến chiều thì nhận được tin cô giáo báo với chồng là con ngủ nhưng không dậy nữa.
Lúc chồng sang đã thấy cảnh sát và bệnh viện đang cấp cứu, người tím tái hết rồi. Kết luận của bệnh viện con mất lúc 15h38 nhưng đến 16h mới gọi chồng sang. Thậm chí bà bảo mẫu còn trách chồng tôi tại sao không nói với bà con lúc sinh ra tim không khỏe.
Con tôi lúc sinh là mổ cấp cứu, tim bé đập nhanh khi đó nhưng sau bình thường. Kết quả khám nghiệm tử thi bé hoàn toàn bình thường khoẻ mạnh trước lúc mất. Bên này Cảnh sát có kiểm tra CCTV tại nhà trẻ, phát hiện bé bị B.H tổng cộng 25 lần, bị đè gối lên, trùm chăm dẫn đến ngạt thở, không có ai cứu cho bé. Bà bảo mẫu để bé một mình, lúc đến thì đã mất, khi hôn hấp nhân tạo biết không cứu được nữa mới gọi” - Chị Nhung cho biết.
Vụ việc bé trai 9 tháng tuổi qua đời tại nhà trẻ ở Hàn Quốc đang nhận về nhiều sự quan tâm của dư luận
Trước đó vào ngày 11/11/2022, báo chí Hàn Quốc đăng tải thông tin bắt giữ Giám đốc trung tâm giữ trẻ kiêm bảo mẫu trong vụ việc bé trai 9 tháng tuổi tử vong. Theo thông tin được đăng tải, cơ quan Cảnh sát miền nam Gyeonggi tiến hành điều tra một phụ nữ ngoài 60 tuổi (tạm gọi là A), là Giám đốc một trung tâm chăm sóc trẻ em về tội lạm dụng và gây ra cái chết với trẻ nhỏ.
Vụ việc được báo chí Hàn Quốc chia sẻ rằng bà A bị cáo buộc trùm chăn và gối lên đầu bé trai 9 tháng tuổi vì không ngủ trong giờ ngủ trưa tại nhà trẻ ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi vào chiều ngày 10/11/2022.
Sau khi hết giờ trưa, bảo mẫu đến đánh thức nhưng bé trai không tỉnh lại đã tiến hành hô hấp nhân tạo cho bé nhưng không được nên đã báo cho 119 (tổng đài cứu thương, cứu hoả tại Hàn Quốc).
Cảnh sát Hàn Quốc tiến hành điều tra và khởi tố người bảo mẫu trong vụ việc
Trong quá trình điều tra, A phủ nhận những cáo buộc từ phía công tố. Tuy nhiên cơ quan công tố đã xác định tội danh thông qua các cuộc điều tra bổ sung từ việc trích xuất video CCTV ghi lại hiện trường vụ án vào thời điểm xảy ra, đồng thời tiến hành phân tích tâm lý tổng hợp của bị cáo.
Từ đoạn CCTV cho thấy từ ngày 3-10/11/2022, A đã thực hiện hành vi B.H thể xác 25 lần với bé trai. Bao gồm việc để bé lên ghế cao, đánh vào đầu, khiến cháu bị ngã. Ngoài ra còn B.H với một cháu bé 2 tuổi khác, tổng cộng 40 lần trên 3 đứa trẻ được nhận trông giữ tại nhà trẻ.
Cảnh sát đã xác nhận cáo buộc sau khi phân tích dữ liệu từ camera giám sát của trung tâm giữ trẻ này. Người bảo mẫu gây áp lực lên phần thân trên của bé bằng chăn và gối trong vòng 14 phút mặc cho cháu bé vùng vẫy. Lực lượng cảnh sát tiến hành điều tra để xác định mối liên hệ giữa hành vi ngược đãi của bà A và cái chết của đứa trẻ.
Cách đây hơn 1 tháng, báo chí Hàn Quốc đồng loạt đưa tin về vụ việc một bé trai 9 tháng tuổi qua đời tại nhà trẻ
Đến ngày 7/12/2022, truyền thông Hàn Quốc tiếp tục đưa tin Phòng điều tra tội phạm Phụ nữ và Trẻ em thuộc Văn phòng Công tố viên quận Suwon đã truy tố A (cụ thể là 65 tuổi) về tội danh vi phạm Luật B.H lạm dụng trẻ em (cụ thể là lạm dụng trẻ em và giết người).
Tuy nhiên theo thông tin mới nhất được chị Nhung cập nhật, bảo mẫu gây ra cái chết cho con mình sau khi bị bắt đã thuê luật sư và được tại ngoại. Theo chị Nhung, từ lúc con mất, chưa có một cuộc điện thoại hỏi thăm hay xin lỗi từ người bảo mẫu với gia đình. Tham khảo ý kiến luật sư, chị Nhung chia sẻ vì bảo mẫu đã hơn 60 tuổi nên theo luật pháp ở Hàn Quốc sẽ chịu hình phạt tù rất ít.
Luật sư có khuyên chị Nhung làm đơn để xin thật nhiều chữ ký nhưng vì không có tiếng nói lẫn kinh nghiệm nên đang gặp nhiều khó khăn trong việc làm đơn kêu gọi xử lý này.
Chị Nhung mong muốn mọi người cùng lên tiếng để đòi lại công bằng cho con, đồng thời như một lời cảnh báo đến những gia đình có con ở nước ngoài, không chỉ riêng tại Hàn Quốc, vừa gửi con ở nhà trẻ vừa đi làm hãy cẩn thận.
“Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình để lên án sự tắc trách của cơ sở giữ trẻ, đồng thời mọi người hãy xem đây như một bài học đắt giá. Tôi mong muốn không có đứa trẻ nào bị B.H nữa” - Chị Nhung cho biết.
Nỗi buồn chưa thể nguôi ngoai với gia đình chị Nhung khi đứa con bé bỏng ra đi đột ngột
Chị Nhung cho biết vào ngày 2/2/2023 tới đây, phiên toà xét xử bảo mẫu gây ra cái chết cho con trai mình sẽ được tiến hành. Tại tỉnh nơi chị Nhung đang sinh sống đã có giúp đỡ về luật sư miễn phí cho gia đình trong quá trình kiện tụng.
Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, chị Nhung đã liên hệ và nộp đơn cầu cứu lên Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Phía Đại sứ quán sau đó đã cử người đến thăm hỏi gia đình. Chị Nhung rất mong muốn Đại sứ quán sẽ cùng vào cuộc với gia đình để đòi lại công bằng cho con.